Kinh tế

Chủ động, phối hợp và linh hoạt để kiểm soát lạm phát

Yến Nhung 20/04/2025 03:55

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác điều hành giá linh hoạt, đồng bộ được xem là “chìa khóa” để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), CPI so với tháng trước, tháng 01/2025 tăng 0,98%, tháng 02/2025 tăng 0,34%, tháng 3/2025 giảm 0,03%. CPI bình quân quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này vẫn trong kịch bản lạm phát để kiểm soát chỉ số CPI cả năm 2025 theo mục tiêu dưới 4,5% Quốc hội đề ra. Trong 9 tháng còn lại của năm 2025, dư địa lạm phát còn lại mỗi tháng so với tháng trước tăng khoảng 0,44-0,57%.

Cần xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đồng thời điều chỉnh biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo công bằng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
CPI bình quân quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước

Tuy mức tăng này dưới mục tiêu kiểm soát mà Quốc hội đề ra song các chuyên gia cảnh báo, tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra các cú sốc lạm phát, tác động tới lạm phát trong nước. Đặc biệt, chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Donald Trump có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa thương mại, làm gia tăng đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí sản xuất và tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng trở lại.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, áp lực lạm phát năm 2025 rất lớn do giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, chi phí vận chuyển và tỷ giá đều có xu hướng biến động. Một số vật liệu xây dựng như cát, đá có thể tăng giá do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng cao.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn có những điểm tựa để giảm áp lực giá. Cụ thể, xu hướng hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu giúp giảm nguy cơ nhập khẩu lạm phát; nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; công tác chỉ đạo điều hành giá linh hoạt và sát sao từ Chính phủ; chính sách hỗ trợ giáo dục (ổn định học phí, giảm giá sách giáo khoa) và giảm thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu... đều góp phần hạ nhiệt giá cả.

Theo ông Tiến, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy các thành công đạt được trong những năm vừa qua để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với những biến động phức tạp, khó dự báo của tình hình kinh tế thế giới, trong đó có chính sách thuế quan của Mỹ, hỗ trợ tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.

“Bộ Tài chính - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá - sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu các kịch bản điều hành phù hợp. Các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ tiếp tục được phối hợp linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 3/2025 ước đạt 570,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác điều hành giá linh hoạt, đồng bộ được xem là “chìa khóa” để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng bền vững

Đồng tình rằng để duy trì kết quả kiểm soát lạm phát và tạo dư địa cho phục hồi tăng trưởng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách vĩ mô, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả kiểm soát lạm phát trong quý I/2025 là do Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thông suốt hệ thống lưu thông, phân phối; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp.

Thời gian tới, để kiểm soát lạm phát, theo chuyên gia này, Chính phủ cần điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tránh lạm phát kỳ vọng; kiểm soát tăng giá trong các mùa cao điểm; nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước với mức giá cạnh tranh để thúc đẩy người dân tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Việt; tăng cường thực hiện các đợt khuyến mại để thúc đẩy sức mua của người dân. Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ động, phối hợp và linh hoạt để kiểm soát lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO