Ngày 28/12 một sự việc đau lòng ập đến với 18 du khách Việt Nam ở Ai Cập - 4 người chết và nhiều người bị thương, được cho có liên quan đến những phần tử khủng bố cực đoan.
Vẫn như mọi lần, ở đâu đó trên thế giới phải mất mát vì chủ nghĩa khủng bố thì phần yên bình còn lại vẫn cảm thấy đau thương, nhưng nỗi đau không bao giờ lớn như những nạn nhân và gia đình họ trực tiếp gánh chịu.
Chủ nghĩa khủng bố đã không chỉ gieo rắc nỗi kinh hoàng chính nơi mà nó sinh ra, mà đã len lỏi vào các quốc gia cách đó hàng vạn dặm, đến nước Mỹ, Châu Âu, Châu Á.
Từ sau thảm họa 11/9/2001 ở Mỹ, chủ nghĩa khủng bố chính thức được gọi là mối đe dọa toàn cầu. Không ai khác ngoài nước Mỹ cầm trịch trong cuộc chiến chống khủng bố.
Với lá chắn “thép” NATO, Mỹ rải quân đến Trung Đông, Bắc Phi, và khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt cũng là lúc người ta nhận ra rằng, những nơi có bom đạn phương Tây trút xuống đều để lại hậu quả ngoài sức tưởng tượng.
Có thể bạn quan tâm
06:20, 19/08/2017
11:30, 09/10/2018
11:01, 26/09/2018
Hẳn nhiên, chống khủng bố chỉ là một trong những nguyên nhân để Mỹ và đồng minh tăng cường can thiệp vào Trung Đông, đến nay vẫn chưa buông bỏ. Vì sao?
Và đến khi, chủ nghĩa khủng bố tạm thời được xem là giảm mức độ đe dọa đến an toàn của nước Mỹ thì ngay lập tức lá bài thứ hai được phát ra - “dân chủ phương Tây”.
Mùa xuân Ả rập là một một “mô hình” can thiệp như vậy. Vì sao những nơi như Lybia, Ai Cập, Tunisia, Yemen, Syria… bỗng chốc dấy lên phong trào chống chính phủ? Nếu không có hậu thuẫn từ phương Tây?
Với sứ mệnh tự giao “bảo vệ dân thường”, khí tài của Mỹ và NATO liên tục oanh tạc không giới hạn các mục tiêu quân sự lẫn dân sự. Giới quan sát cho rằng: Không thể coi các hành động trên là sứ mệnh nhân đạo.
Khi mà các loại máy bay, tên lửa, tàu chiến vào loại hiện đại nhất của Mỹ và NATO đã bắn phá bừa bãi xuống các làng mạc, đường phố của Libya làm hàng nghìn người bị thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa dẫn đến làn sóng trốn chạy sang Châu âu, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Lật đổ Gaddafi (Lybia), Saddam Hussein (Iraq) làm xuất hiện nhà nước Hồi giáo tự xưng IS- mặc dù là cuộc nội chiến của những người Hồi giáo hai dòng Sunni và Shitte nhưng hệ quả của nó vẫn là một phiên bản chủ nghĩa khủng bố mới, tàn bạo hơn!
Cũng với “nhiệm vụ” trừng trị chính quyền ông Assad (Syria) sát hại dân thường bằng vũ khí hóa học, Mỹ mang quân can thiệp, biến nơi này thành thành một trong những chiến sự khốc liệt nhất Trung Đông hiện tại.
Ngày 28/12, một chiếc xe du lịch ở Cairo - Ai Cập chở 18 người Việt Nam trong một chuyến tham quan gần quần thể kim tự tháp Giza đã thì một quả bom phát nổ rất gần khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Những năm gần đây có hàng ngàn vụ tấn công tương tự, xảy ra ở Anh, Pháp, Đức, Bỉ,… đều là những thành viên NATO. Không thể thống kê hết có bao nhiêu sinh mạng oan ức, bao nhiêu mất mát rải đều cho cả nhân loại.
Khủng bố và chủ nghĩa khủng bố không còn là những cảnh báo trên truyền thông, không phải chỉ làm thiệt hại đến những nơi là điểm “nóng” xung đột. Mà nó đã ảnh hưởng đến những người dân vô tội của nước ta.
“Việt Nam kêu gọi chính phủ cùng nhân dân các nước đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố một cách không khoan nhượng, để xây dựng cuộc sống hòa bình và đi lại an toàn tự do cho người dân lương thiện trên toàn thế giới”, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản ứng sau vụ việc đau lòng.
Những gì hàng trăm triệu dân thường ở Trung Đông phải gánh chịu bởi chiến lược chống khủng bố và phong trào Mùa xuân Ả rập nhiều thập kỷ qua là không hề nhỏ.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu kể lại câu chuyện trong một lần tiếp xúc với một nhà ngoại giao Mỹ, trong một bài viết, như sau: “Tôi đã có lần nói chuyện với một nhà ngoại giao người Mỹ một vài năm về trước, sau khi ông rời nhiệm sở ở Saudi Arbia và ông đồng ý về quan điểm này. Ông (nhà ngoại giao Mỹ - pv) cho rằng, người Saudi Arabia có cơ cấu tổ chức theo lối phong kiến. Tương tự như vậy, người Lybia không có một quốc gia thống nhất mà là một tập hợp các bộ lạc…”.
Ông Lý so sánh: “Khi bạn rời khỏi sa mạc Gobi (Mông Cổ), bạn sẽ thấy một xã hội nhộn nhịp với nhịp sống sôi động và lao động không ngừng nghỉ. Và khi bạn rời khỏi Grand Canyon (Ai Cập), bạn sẽ thấy giấc mơ Mỹ đang hiện ra trước mặt bạn”.
Mùa xuân Ả rập và những cuộc chiến tranh diễn ra trước đó như: Vùng vịnh 1991, Nam Tư, Iraq , Afganistan... làm cho những người có lương tri, có tư tưởng tiến bộ phải suy nghĩ.
Dầu lửa là món hời của thiên nhiên nhưng cũng mang đến tai họa cho Trung Đông. Từ cuộc chiến vùng Vịnh đến Mùa xuân Ả rập hay chống khủng bố. Mỹ và phương Tây không tự nhiên đem của cải sức lực ném vào nơi bất định!
Đằng sau đó là những tập đoàn công nghiệp quốc phòng “cần có xung đột vũ trang” để thử nghiệm và buôn bán những khí tài mới phát minh.
Đã gần 10 năm sau Mùa xuân Ả rập, vẫn chưa thấy “bông hoa” nào hé nụ ở Trung Đông ngoài xung đột sắc tộc, tôn giáo, khói lửa triền miên!