Nhìn lại lịch sử Việt Nam, học giả trong và ngoài nước đều bắt gặp nhau ở quan điểm: Thiên tính kết thành một khối thống nhất trong những thời điểm ngặt nghèo là “bí quyết” giúp dân tộc ta trường tồn.
>>Nguồn lực mở cơ đồ đất Việt
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” vang lên trầm ấm trong ánh nắng thu, giữa biển người, rợp cờ hoa mừng vui khoảnh khắc hưởng bầu không khí độc lập, ngày 2/9/1945 - đánh thêm một dấu son chói lọi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ quy chiếu của “chủ nghĩa duy vật lịch sử” cho phép chúng ta nhìn nhận một cách thấu đáo nhất thành quả này. Một chặng đường cách mạng mới bắt đầu từ khi 3 giai tầng công - nông - trí nhận thức được sứ mệnh lịch sử, cùng kề vai sát cánh dưới ánh sáng Đệ tam quốc tế mà đại diện là những chí sĩ tiêu biểu Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong.
Rõ ràng, so với con đường cứu nước của cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh; phong trào “Đông du” chủ trương sang Nhật học tập khai dân trí, chấn hưng dân khí thì lá cờ vô sản chọn cách tiếp cận xuất phát từ nội lực dân tộc. Hóa khổ đau thành động lực tranh đấu, lấy sức mình giải phóng chính mình. Đấy chính là tinh thần đoàn kết.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm đầu thập niên 30 không trọn vẹn ý nguyện, Đảng lùi vào hoạt động bí mật, thời điểm ấy đảng là dân, dân là đảng, lòng dân ý đảng là thế. Đảng trong sáng, dân một lòng chở che đùm bọc, nuôi dấu cán bộ cách mạng. Tiếp tục phát động phong trào vận động dân chủ 1936 -1939, tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị, buộc thực dân nhượng bộ.
Hai cuộc tập dượt thử thách đã khẳng định khát khao độc lập là động lực nội tại, sẵn có trong mỗi người dân máu đỏ da vàng, Đảng là người dẫn dắt, trang bị thế giới quan và phương pháp luận đấu tranh. Chỉ 15 năm sau khi ra đời, Đảng đã khi sinh nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Tinh thần đoàn kết như ngọn lửa thiêng của dân tộc ta, nó thắp sáng, sưởi ấm, soi đường, duy trì động lực mãi tiến lên không ngừng bất kể khó khăn, kẻ thù rình rập, những mối nguy phi truyền thống diễn biến khôn lường trên mặt trận kinh tế, ngoại giao.
Cắt đoạn lịch sử từ khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời đến khi non sông thống nhất, 30 năm không phải là dài nhưng quá nhiều biến cố xảy ra. Thế nhưng, Đảng vẫn biết cách thắp lên ngọn lửa đoàn kết làm nên Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh,… lan tỏa khao khát hòa bình, thịnh trị đến từng mét vuông lãnh thổ.
Hòa bình rồi, nhưng không có nghĩa non sông yên ả. Đủ mọi thứ giặc, nhân tai, thiên tai buộc người Việt phải cố kết hơn nữa để vượt qua. Nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế - không thể mạnh ai nấy làm, doanh nghiệp, doanh nhân vào vai “chiến sĩ”, thật khó chiến thắng trên thị trường quốc tế nếu “đơn thương độc mã”.
Vì sao thương nhân người Hoa thành đạt khắp thế giới? Vài mươi năm trước họ đến phi Châu chỉ đôi bàn tay trắng, buôn thúng bán bưng để nghiên cứu thị trường vải vóc, đồ gia dụng. Các tổ chức liên kết người bán lẻ được lập ra, hỗ trợ vốn, trang bị văn hóa bản địa cho nhau, dần dà xuất hiện những nghiệp đoàn ngoại quốc, liên kết đa quốc gia thành mạng lưới khổng lồ.
Người Việt ta vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ví như trong thiên tai, dịch bệnh, bóng đá,… lòng người trở nên “mềm mại” lạ thường. Chỉ cần biết cách nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết thường xuyên - chúng ta sẽ làm được nhiều việc lớn.
Trong Di chúc để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Ðảng, toàn dân, khi nói về Ðảng với hơn 200 chữ, Bác Hồ đã dành gần 150 chữ nói về đoàn kết. Theo Người, nhờ đoàn kết mà Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, cần giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Ðảng. Tư tưởng ấy ngày càng sáng tỏ và là bài học quý trong mọi thời đại.
Thực tiễn đất nước từ khi có Ðảng đã minh chứng những điều Bác Hồ căn dặn. Một dân tộc bị áp bức, nghèo nàn và lạc hậu như Việt Nam nhưng đã chiến thắng thực dân, đế quốc là nhờ cả dân tộc triệu người như một. Chúng ta lại đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mở rộng đoàn kết quốc tế, thoát khỏi âm mưu bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước cũng là do có tinh thần đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Ðảng.
Không phải ngẫu nhiên trong Ðại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2, ngày 25-4-1961, Bác Hồ nhắc lại câu nói tại Ðại hội hợp nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công". Thông điệp ấy khẳng định mạnh mẽ một lần nữa, đoàn kết là lực lượng vô địch đã giúp chúng ta kháng chiến thắng lợi và sẽ là sức mạnh to lớn để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ðó cũng là yêu cầu trước mỗi chặng đường mới của cách mạng, là một chân lý không bao giờ thay đổi.
Có thể bạn quan tâm