Chủ tịch VCCI: Sự liêm chính là trái tim của doanh nghiệp

Cẩm Anh 05/03/2019 11:05

Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”. Ảnh: Nguyễn Long

"Tham nhũng, hối lộ không chỉ gây tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh mà còn làm nản ý chí của số các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên giá trị cốt lõi lấy liêm chính là nền tảng phát triển trong dài hạn" - Điều này được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn ý kiến các bên nhằm hoàn thiện xây dựng Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: Cần xây dựng đội ngũ thanh tra “liêm chính, bản lĩnh, trung thành”

    10:05, 17/01/2019

  • Liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ (Kỳ cuối): Khuyến nghị và hành động

    11:12, 14/06/2018

  • Liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ (Kỳ II): Vì sao Doanh nghiệp còn thờ ơ với sáng kiến liêm chính?

    11:06, 08/06/2018

  • Liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ Kỳ I: “Bức tranh” tham nhũng và những nỗ lực từ Chính phủ

    15:28, 06/06/2018

Theo đó, các công ty có quy mô lớn tại Việt Nam đã có ban kiểm soát hoạt động, nhưng khá nhiều ban kiểm soát còn hoạt động một cách hình thức, chưa thể hiện được các yêu cầu cao về tính độc lập, phụ thuộc khá lớn vào hội đồng quản trị và ban điều hành. Hầu hết các vi phạm trong hoạt động quản trị vừa qua là hậu quả của năng lực kiểm soát nội bộ yếu kém, thiếu minh bạch.

Chủ tịch VCCI chỉ ra, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, một mặt do nhận thức, thiếu nguồn lực tài chính nên còn thờ ơ, chưa chú trọng nhiều đến kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, không có điều kiện tuyển dụng nhân sự phục vụ cho công tác này.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Long

"Khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của doanh nghiệp không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh và cho rằng: "Nếu sự sáng tạo là khối óc thì sự liêm chính là trái tim của doanh nghiệp. Làm kinh doanh cần có trái tim và khối óc".

Trên thế giới, kiểm soát nội bộ là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi mắt xích quản trị doanh nghiệp. Kiểm soát nội bộ là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu rủi ro, phát hiện gian lận, đảm bảo tuân thủ quy định, thông lệ tốt về quản trị công ty; cải thiện hoạt động quản trị nội bộ; kiện toàn ban kiểm soát nội bộ vững mạnh để đủ năng lực trợ giúp hội đồng quản trị thực hiện tốt vai trò giám sát.

Trong thương mại toàn cầu, khái nghiệm về kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng chuỗi giá trị có trách nhiệm là yêu cầu quan trọng. Một trong số đó là thực hiện liêm chính, phòng chống tham nhũng. Do đó, một doanh nghiệp muốn tham gia “cuộc chơi toàn cầu” không những cần bảo đảm tuân thủ luật pháp của quốc gia nơi doanh nghiệp đó được thành lập, mà còn cần tuân thủ luật pháp quốc tế và các qui định của các công ty đối tác nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia.

Chủ tịch VCCI cho biết, để thực hiện hệ thống liêm chính trong doanh nghiệp cần phải xây dựng bộ khung liên kết 4 nhân tố, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo đó, các tiêu chí về văn hóa, như bộ quy tắc ứng xử, đạo đức trách nhiệm của doanh nghiệp; các tiêu chuẩn về quản trị như quy định hệ thống tuân thủ quản trị doanh nghiệp; quy định, nguyên tắc của nhà nước về giám sát thường xuyên, đảm bảo thi hành pháp luật và phương tiện kiểm tra, cân đối tổng thể bao gồm các nhà quản lý, người lao động, các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông... cần được liên kết chặt chẽ.

"Trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân", Chủ tịch VCCI cho biết và nhấn mạnh: "Việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hướng tới quản lý rủi ro cần được coi là vấn đề ưu tiên hàng đầu".

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt buộc doanh nghiệp tuân thủ những yêu cầu cao theo quy định. Thực hiện liêm chính sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động tham vấn ý kiến các bên nhằm hoàn thiện xây dựng Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị” là một trong các hoạt động trọng tâm của Sáng kiến Liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ - GBII thuộc Đề án 12 được tài trợ thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh.

Hội thảo diễn ra vào thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp chính thức có hiệu lực (tháng 7/2019), mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước (khu vực doanh nghiệp). Nghiên cứu này sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tuân thủ quy định của pháp luật về trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thông qua xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch VCCI: Sự liêm chính là trái tim của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO