Quốc tế

Chuỗi F&B Trung Quốc “đổ bộ” Đông Nam Á

Cẩm Anh 24/09/2024 11:35

Bên cạnh năng lượng và hàng hóa giá rẻ, đang có một làn sóng các chuỗi thực phẩm và đồ uống (F&B) từ Trung Quốc “đổ bộ” sang các quốc gia Đông Nam Á.

halidao.jpg
Haidilao là chuỗi lẩu đình đám nhất của Trung Quốc tại Việt Nam

Các công ty thực phẩm và đồ uống (F&B) của Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng sang Đông Nam Á, thậm chí là Bắc Mỹ và châu Âu trong vài năm qua, một phần do tình trạng bão hòa trong nước.

“Miếng bánh” Đông Nam Á

Theo Huafu Securities, gần 3,19 triệu doanh nghiệp F&B mới đã được đăng ký tại Trung Quốc vào năm 2023, tăng 24,2% so với năm trước.

"Trong ba năm qua, hoạt động tuyển dụng và trả lương ở nước ngoài của các công ty (F&B) Trung Quốc đã tăng hơn 200% mỗi năm", bà Lin Tan, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của PayInOne, một công ty bán dịch vụ tuyển dụng và trả lương cho các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài, cho biết.

Bà Lin cũng cho biết thêm rằng, các công ty F&B đang tuyển dụng rất nhiều ở nước ngoài trong năm nay, đặc biệt ở Đông Nam Á, trong bổi cảnh tăng cường các hoạt động kinh doanh liên quan đến nguyên liệu thực phẩm, dịch vụ và thiết bị.

Cụ thể, Haidilao International Holding là một ví dụ điển hình về nỗ lực của các công ty Trung Quốc để tạo dấu ấn F&B ở nước ngoài. Gã khổng lồ lẩu Tứ Xuyên này bắt đầu mở rộng ra bên ngoài với một cửa hàng tại khu Clarke Quay ở Singapore vào 12 năm 2023. Sau đó, họ đã mở thêm 11 cửa hàng nữa tại quốc đảo này. Đến tháng 3/2024, Super Hi International Holding, công ty con ở nước ngoài của họ, đã có 119 cửa hàng trên toàn cầu, với 3/5 trong số đó hoạt động tại Đông Nam Á.

Nhiều thương hiệu khác cũng đã “nối gót” Haidilao, mang đến những món ăn đa dạng hơn. Trong đó có Tai Er, hiện đang phục vụ món cá luộc đặc trưng với rau củ ngâm tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Mỹ.

Trong lĩnh vực đồ uống, Mixue, chuỗi trà sữa trân châu lớn nhất Trung Quốc, đã mở rộng sang 11 quốc gia với hơn 4.000 cửa hàng tính đến cuối năm 2023. Điều này đã giúp công ty có một khởi đầu thuận lợi hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Để có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, các công ty F&B Trung Quốc đang áp dụng nhiều chiến lược khác nhau, như nhượng quyền thương mại, lựa chọn thị trường, bản địa hóa và quản lý chuỗi cung ứng.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp F&B Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một số thách thức khi vươn ra nước ngoài. Các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể gây khó khăn cho họ. Bên cạnh đó, việc thiết lập nguồn cung ứng địa phương đáng tin cậy hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc vẫn là một rào cản lớn. Ngoài ra, quản lý nhân sự ở nước ngoài là một thách thức lớn khác trong quá trình toàn cầu hóa ngành F&B Trung Quốc. Các vị trí chủ chốt như quản lý cửa hàng và quản lý tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống ở nước ngoài thường được điều động từ Trung Quốc, trong khi nhân viên phục vụ và nhân viên bếp chủ yếu được tuyển dụng tại địa phương.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã tìm cách tái cơ cấu quản lý khi mở rộng thị trường. Cụ thể, khi thâm nhập thị trường mới, Haidilao sẽ cử đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm từ trụ sở chính đi phát triển thị trường. Sau đó, họ sẽ tuyển dụng và đào tạo nhân viên địa phương và thiết lập các cơ chế công bằng để đảm bảo cho việc thăng tiến. Hiện nay, có nhiều người bản địa giữ các vị trí quản lý của Haidilao tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Cần nâng cao sức cạnh tranh

Tại Việt Nam, với lợi thế có nền ẩm thực đa dạng vùng miền, gia vị phong phú, món ăn Trung Hoa nhanh chóng khơi gợi sự tò mò của giới trẻ Việt Nam. Do đó, các nhà hàng truyền thống Trung Quốc đã xây dựng được nền móng vững chắc tại thị trường F&B Việt Nam với các thương hiệu lớn như Haidilao, San Fu Lou, Hutong, Crystal Jade...

Những diễn biến tại thị trường F&B phản ánh sức hấp dẫn và tiềm năng của ngành kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam được kỳ vọng trở thành Top 3 quốc gia châu Á trong lĩnh vực F&B. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sự tăng trưởng của thị trường và việc nhiều thương hiệu mới nổi trong và ngoài nước xuất hiện sẽ dẫn đến áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chuyên gia vận hành F&B nhận định, các chủ doanh nghiệp F&B luôn phải làm mới mình, nghiên cứu sản phẩm và cập nhật xu hướng mới để có thêm tệp khách hàng mới. Trong đó, việc thay đổi nhận diện thương hiệu cũng rất quan trọng.

“Thị trường F&B luôn có nhiều biến đổi, không những đòi hỏi các thương hiệu phải thích ứng linh hoạt với xu hướng mới của thị trường, mà còn cần tạo ra cơ hội mới và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

Mặt khác, ThS. Hoàng Nguyên Phương, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, để định hình phát triển thành công, các doanh nghiệp F&B cần nắm bắt thông tin về bức tranh tổng quan của thị trường và dự đoán các xu hướng nổi bật trong giai đoạn sắp tới để hoạch định các chương trình hành động ứng phó linh hoạt và hiệu quả. Theo đó, các doanh nghiệp F&B có thể sử dụng các kênh phân phối, như B2C; B2B… thông qua các chuỗi phục vụ, qua các kênh trực tuyến. Các kênh phân phối cần có một hệ thống quản lý và kiểm soát nhằm đảm bảo tính liên tục và chất lượng sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuỗi F&B Trung Quốc “đổ bộ” Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO