Đề nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách là cơ quan thường trực thực hiện.
>>Quốc hội kiên trì đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội của đất nước, việc thực hiện chức năng giám sát cũng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV quan tâm đổi mới, cải thiện với mục tiêu giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trên cơ sở nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.
Theo đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn, quyết định nội dung, chương trình giám sát năm 2022 trong đó có giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách là cơ quan thường trực thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề xuất tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, ngày 27/9.
Để phát huy những kết quả đạt được, hạn chế những tồn tại hạn chế trong hoạt động giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, Uỷ ban đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xem xét một số giải pháp trong năm 2023.
Một là, lựa chọn các lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội; lĩnh vực có nhiều điểm nghẽn, vướng mắc; lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tổ chức quản lý điều hành và đòi hỏi cần phải có trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát để tập trung giám sát mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát.
Hai là, nghiên cứu cải thiện phương thức dự báo, lập kế hoạch giám sát trong hoạt động tổng thể của Quốc hội, theo đó cân đối thời gian giám sát hợp lý để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đủ thời gian, nhân lực thực hiện các kế hoạch chuyên môn được phân công.
Ba là, nghiên cứu phân công các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cùng tham gia giám sát chuyên đề của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm khai thác lợi thế nắm bắt thực tiễn tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương; đồng thời tăng cường trách nhiệm trong tái giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết giám sát của các cơ quan này trên địa bàn phụ trách.
Bốn là, từ thực tiễn tổ chức thực hiện một số cuộc giám sát năm 2022, đề nghị quan tâm triển khai các giải pháp khai thác tối đa thông tin kết quả công tác của các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương…; thông tin quản lý từ các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và đề xuất huy động nhân sự của các cơ quan chuyên môn này tham gia quá trình giám sát nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội.
>>Lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn
>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu
>>VCCI cần tổ chức nhóm kết nối đại biểu Quốc hội
Năm là, khai thác tối đa kết quả các cuộc giám sát, các báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nếu có nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát để góp phần hạn chế hoạt động giám sát trực tiếp không cần thiết. Xây dựng chương trình giám sát tổng thể thật khoa học, đồng bộ để giải quyết triệt để những trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan khác nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được giám sát.
Sáu là, khi tiến hành triển khai Đoàn giám sát, cần khoanh lại các nội dung giám sát bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và qua giám sát phải làm rõ các trách nhiệm giải trình và đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thiện cơ chế, chính sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thời gian tới. Đồng thời, làm rõ phạm vi giám sát về văn bản pháp luật trong kế hoạch giám sát là các nghị quyết của Đảng, luật của Quốc hội, các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các văn bản của Mặt trận, Đoàn thể có liên quan đến nội dung giám sát.
Trong đó, làm rõ tính kịp thời thể chế hóa các văn bản của Đảng từ phía Nhà nước, tính kịp thời, tính đồng bộ, tính hiệu quả, tính khả thi, trách nhiệm tổ chức thực hiện, trách nhiệm giải trình; trong đó có trách nhiệm về hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật và các trách nhiệm khác.
Bảy là, Đoàn giám sát nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân để thực hiện việc giám sát và có báo cáo chung, song khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát riêng, nhưng không không bắt buộc, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn và điều kiện của mỗi địa phương.
Tám là, việc tổ chức Đoàn giám sát làm việc trực tiếp với các bộ, ngành cơ quan trung ương nên chủ yếu tại trụ sở của Quốc hội. Mỗi Bộ, ngành, địa phương có đề cương chi tiết yêu cầu những việc cần báo cáo, những nội dung cần phải làm rõ; có thể giám sát theo từng bộ hoặc làm theo nhóm bộ. Việc tổ chức làm việc tại địa phương cần bảo đảm tính đại diện, có các địa phương thực hiện tốt, địa phương có những vấn đề nổi cộm, đồng thời phải đảm bảo điều phối chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo kiến nghị của Tổng Thư ký để tránh trùng lắp với các Đoàn giám sát của Quốc hội tại địa phương. Việc triển khai các Đoàn công tác không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, địa phương.
Có thể bạn quan tâm
09:43, 27/09/2022
09:23, 27/09/2022
09:00, 18/09/2022
14:12, 23/08/2022