Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận, việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ tại kỳ họp Quốc hội tới.
Vấn đề thiếu tách bạch giữa BOT sửa chữa đường với kinh phí chi bảo trì đường bộ gây bức xúc trong xã hội lâu nay đã có hy vọng được giải quyết.
Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận, việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ tại kỳ họp Quốc hội tới. Vấn đề thiếu tách bạch giữa BOT sửa chữa đường với kinh phí chi bảo trì đường bộ gây bức xúc trong xã hội lâu nay đã có hy vọng được giải quyết.
Cùng với đó, việc chuyển các dự án giao thông BOT lớn từ cơ quan trung ương về các địa phương cùng đầu tư, quản lý để tập trung trách nhiệm về một đầu mối đã bắt đầu được triển khai tại một số địa phương. Động thái này được kỳ vọng có thể giải quyết cơ bản các "mắc mớ" liên quan đến dự án BOT.
Chuyển giao trách nhiệm
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuậngiai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT vừa được UBND tỉnh Tiền Giang ký phụ lục hợp đồng của Hợp đồng Đầu tư xây dựng với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cùng các Liên doanh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết thực hiện theo chỉ đạo tại Thông báo số 99 ngày 18/3/2019 của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu tiếp nhận vai trò cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ Bộ GTVT.
Cách đây 10 năm Chính phủ đã khởi công xây dựng, nhưng vì nhiều lý do từ huy động vốn khó khăn, cơ chế thay đổi, chính sách đầu tư PPP, năng lực quản lý của nhà đầu tư… dự án bị chậm tiến độ. Mặc dù, Bộ GTVT đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ, nhưng đến nay, dự án này mới chỉ thực hiện được khoảng 15,8% khối lượng công việc.
Lý do khiến Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ bị giải thể là vì từ năm 2017, thực hiện quy định của pháp luật về Luật Phí và Lệ phí, Luật NSNN, nguồn thu của Quỹ này nộp toàn bộ vào NSNN.
Để đẩy nhanh tiến độ, mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với Ban quản lý dự án, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và yêu cầu đưa ra giải pháp mới đảm bảo thông tuyến dự án vào năm 2020. Theo đó, sẽ chuyển trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. Tỉnh Tiền Giang sẽ có toàn quyền xử lý các vướng mắc dự án.
Thực tế, để dự án bị đình trệ tới 10 năm cho thấy vai trò quản lý của Bộ GTVT đang có vấn đề, và nếu tiếp tục để Bộ này làm cơ quan quản lý nhà nước và vẫn giao cho một đơn vị của Bộ là Tcty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long làm đại diện thì không biết đến bao giờ dự án mới được khai thông?
Chưa biết việc chuyển giao cơ quan quản lý nhà nước của dự án này về UBND tỉnh Tiền Giang liệu có đảm bảo đúng tiến độ khai thông tuyến đường vào cuối năm 2020, nhưng việc thay đổi cơ quan quản lý về một đầu mối là địa phương có thể được xem là một hướng đi mới cho các dự án BOT.
Cần nhắc lại, đây không phải là trường hợp đầu tiên được chuyển giao quyền quản lý dự án BOT từ cơ quan trung ương về địa phương. Trước đó, giải pháp này đã được áp dụng thuận lợi ở những tuyến cao tốc trọng điểm khác: Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Hữu Nghị - Chi Lăng…
Doanh nghiệp chịu phí “oan uổng” đến bao giờ?
Phí đường bộ là một loại phí bắt buộc đối với các chủ phương tiện lưu thông trên đường. Đây là loại phí do nhà nước thu, nhằm mục đích cải tạo và nâng cấp đường bộ để phục vụ tốt hơn cho các phương tiện đi lại. Tuy nhiên, việc BOT hóa các tuyến đường quốc lộ đang khiến các doanh nghiệp vận tải cảm thấy “oan ức”.
Tiếp nhận phản ánh từ các doanh nghiệp hội viên, ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng: Hiện nay 90% chiều dài cung đường mà các xe container vận tải hàng hóa đường bộ lăn bánh là đường BOT hay đường bộ khác có thu phí. Do đó, các chủ doanh nghiệp này đều cho rằng, họ đã bị đóng phí bảo trì đường bộ trên đầu xe một cách “oan ức”. Điển hình như khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh thì Quốc lộ 10, Quốc lộ 18 đều đã được BOT hóa thông qua các dự án nâng cấp cải tạo.
Giải thích vì việc BOT hóa các tuyến quốc lộ ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ khi thành lập, Quỹ bảo trì đường bộ đã được thu từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, nguồn Qũy còn rất thiếu so với nhu cầu tối thiểu. Tổng kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm chiếm khoảng 1% tổng giá trị tài sản đường bộ. Tính riêng năm 2018, nguồn vốn dành cho công tác này mới đáp ứng được trên 34% yêu cầu.
Đặc biệt vào tháng 9/2018, Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ được giải tán, nhưng Quỹ tiếp tục tồn tại theo Luật Giao thông đường bộ. Việc minh bạch thông tin Quỹ này càng khiến cộng đồng doanh nghiệp lo ngại.
Trong khi đó trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đã báo cáo những bất cập về vấn đề BOT và phí đường bộ lên Chính phủ, Quốc hội. Như vậy, mọi cái nhìn sẽ lại đổ về việc thảo luận của Kỳ họp Quốc hội tới về vấn đề này.