Từ chủ yếu làm các dự án hạ tầng, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) vừa quyết định “lấn sân” sang Fintech.
Động thái nói trên của CII khiến thị trường nghi ngại, dù rằng trên thị trường, mọi sự dịch chuyển đầu tư cho hợp thời đều đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Theo thông tin từ ĐHĐCĐ năm 2021 của CII, CEO Lê Quốc Bình cho biết doanh nghiệp này đang hợp tác cùng 4 ngân hàng tên tuổi cùng 15 công ty chứng khoán, ví điện tử khác để làm dự án Fintech. Công ty đang xây dựng 4 sản phẩm trái phiếu và nếu xong, sẽ đưa nợ CII về 0.
Lãnh đạo CII cũng cho biết, đây là sản phẩm tài chính có quy mô lớn hơn sản phẩm tái cấu trúc dòng tiền mà đơn vị đã từng làm. Thông qua sản phẩm này, CII có thể huy động nguồn tiền nhàn rỗi lớn trong xã hội với chi phí vốn hợp lý hơn, qua đó giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp với các khoản vay tín dụng trong nước.
3-4%/năm là khoản phí mà CII và Công ty Fintech có thể thu được từ các chứng khoán hóa BOT.
Nhìn chung, qua giải thích của CII, chưa thể hình dung cụ thể nhưng có thể tạm phác thảo đó có thể là một đơn vị quản lý vận hành ứng dụng công nghệ tài chính, trên đó có thể cho phép nhà đầu tư tham gia đầu tư các sản phẩm dạng trái phiếu mà công ty này thiết kế, với tiền góp vốn nhàn rỗi theo từng hạn mức từ 3-5 triệu đồng/người. Từ đó, bài toán vốn cho các dự án có nhu cầu huy động của CII và công ty Fintech cũng thu được dòng phí 3-4%/năm. CII gọi đó là “chứng khoán hóa BOT”.
Trên thị trường tài chính quốc tế, chứng khoán hóa là một sản phẩm phái sinh quan trọng, chủ yếu được áp dụng trên tài sản nợ bất động sản (BĐS), giúp tạo thanh khoản tốt hơn và lưu thông dòng vốn.
Ở Việt Nam, chứng khoán hóa phái sinh nguyên nghĩa như trên chưa có. Gần đây, một số đơn vị địa ốc muốn phát triển chứng khoán hóa theo dạng chia nhỏ sản phẩm BĐS để tạo từng phần đầu tư giá trị thấp, bán như chứng nhận cổ phần qua trực tuyến. Nó có dáng dấp mô hình huy động vốn nhàn rỗi của Quỹ tín thác BĐS lẫn cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, TS. Đinh Thế Hiển nhận định sản phẩm đó ẩn chứa nhiều rủi ro.
Với việc nhà đầu tư mua chứng khoán hóa (ở trường hợp CII là các trái phiếu có thể theo mệnh giá nhỏ) được phát hành huy động để làm các dự án BOT, thì dù ở trên app hay mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đáp ứng tiêu chí quy định về nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn đối với trái phiếu phát hành công chúng theo Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và trái phiếu phát hành riêng lẻ theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Nếu không, đơn vị Fintech của CII phải xây sản phẩm tài chính nào khác để “lách” các quy định này.
Thị trường hiện tại cũng đang xuất hiện một số doanh nghiệp kêu gọi đầu tư vào sản phẩm trái phiếu, lãi suất danh nghĩa cao gần chạm trần quy định. Một chuyên gia cho biết với những sản phẩm đầu tư đặc biệt có tên gọi trái phiếu, nhưng không chứng minh rõ ràng khả năng thanh toán của doanh nghiệp đối với những người mua trái phiếu, thì việc tham gia đầu tư vào các sản phẩm như vậy khá rủi ro.
“Với trường hợp của các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư làm BOT- là các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến cộng đồng, thì trường hợp thanh lý tài sản khi cần để đảm bảo khả năng thanh toán đối với nhà đầu tư, càng phức tạp. Rủi ro cao sẽ càng nghiêng về phía các nhà đầu tư góp vốn nhỏ lẻ”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Những ông lớn nào đã phát hành trái phiếu ra công chúng quý I/2021?
05:20, 30/04/2021
Phản hồi doanh nghiệp: Trái phiếu VSETGROUP tồn tại nhiều rủi ro?
05:30, 29/04/2021
Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm sắp được đưa vào giao dịch phái sinh
04:30, 24/04/2021
Phát hành trái phiếu xanh sao cho hiệu quả?
16:00, 17/04/2021