Nhiều doanh nghiệp nội than phiền, các chính sách dành cho lĩnh vực kinh tế sáng tạo như phát thanh, truyền hình đang có sự đối xử bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.
Tại chương trình “Đối thoại 2045” giữa Thủ tướng với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu, đại diện một doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ riêng biệt để phát triển văn hóa kinh tế sáng tạo, đồng thời kiến nghị sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên nền tảng tôn trọng thực thi luật pháp Việt Nam phù hợp với thông lệ thế giới: tức thì, bình đẳng, không ngoại lệ.
“Có như thế, công nghiệp nội dung Việt Nam mới có năng lực canh tranh để đóng góp vào việc phát triển kinh tế văn hóa sáng tạo”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Trước kiến nghị này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPC) thừa nhận doanh nghiệp trong nước gặp một số khó khăn khi cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới. Tuy nhiên, cần bóc tách cụ thể từng vấn đề. Cần giải quyết không phải chỉ bằng một nghị định như trên.
“Các chính sách riêng kinh tế sáng tạo, tôi cho rằng chưa cần bởi hiện nay chúng ta đã có chính sách riêng biệt cho từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể nên việc thiết kế một chính sách chung e là không phù hợp”, ông Đồng nhấn mạnh.
Trước hết là về việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, Việt Nam gặp khó khăn về mặt cơ chế thu thuế để tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nền tảng xuyên biên giới về nghĩa vụ nộp thuế.
Ông Đồng nhận định một số quy định của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong nước rất chặt chẽ, không còn phù hợp và tạo ra cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Dẫn chứng cụ thể, ông Đồng lấy ví dụ về vấn đề kiểm duyệt nội dung, đăng ký trên môi trường số. Các doanh nghiệp trong nước phải chịu những quy định xin phép, cấp phép rất phiền hà, chưa kể đằng sau chuyện cấp phép đó còn có tiêu cực.
“Đây là gánh nặng đang đè lên doanh nghiệp trong nước và cần phải giải phóng các doanh nghiệp trong nước ra khỏi những gánh nặng ấy để họ thoải mái hơn trong chuyện kinh doanh”, ông Đồng nhấn mạnh.
Từ câu chuyện này, Viện trưởng IPS cho rằng các bộ, ngành cần rà soát lại xem những quy định nào đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước thì giải tỏa để tránh tạo nên sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
“Nhà nước chỉ có thể sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, môi trường pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, còn cạnh tranh bằng công nghệ, bằng thị trường là chuyện của doanh nghiệp, Nhà nước không có cách nào can thiệp được”, ông Đồng nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng, đối với một số ngành cụ thể, như mảng Big Data, cần đầu tư vào mảng giáo dục nghề nghiệp để hỗ trợ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt.
Hay trong một số dịch vụ công của Chính phủ, có thể dùng các nhà thầu nội địa thay vì nhà thầu nước ngoài để nâng hiệu quả của doanh nghiệp trong nước lên. Tuy nhiên, việc này phải cẩn trọng để tránh một số rào cản về mặt kỹ thuật, chống phân biệt đối xử trong CPTPP.
Trong dịch vụ OTT, rất khó đòi hỏi các nền tảng xuyên biên giới như Netflix phải có các kênh truyền hình quảng bá của Việt Nam, hay phải dịch tất cả nội dung trên đó ra tiếng Việt... Ngược lại, cũng không thể bắt một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước phải gánh những chi phí theo kiểu của Việt Nam.
"Không thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước phải đưa vào những kênh truyền hình hầu như chẳng có người xem. Đây là cơ chế thị trường, không thể áp đặt kiểu hành chính như vậy. Đối với những quy định vô lý thì cần loại bỏ, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước, giúp họ bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm với các nền tảng xuyên biên giới”, ông Đồng nói.
Có thể bạn quan tâm
17:02, 23/02/2021
11:00, 08/02/2021
05:00, 07/02/2021