Doanh nghiệp mong cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (DPPA) sớm được Chính phủ phê duyệt.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (DPPA). Theo đó, cơ chế DPPA sẽ giúp khách hàng cần dùng điện cho sản xuất công nghiệp có thể đàm phán, thoả thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy phát điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời thông qua hợp đồng kỳ hạn. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện trực tiếp, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.
Đưa ra ý kiến về cơ chế DPPA, đại diện các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho biết, họ rất mong muốn cơ chế này được phê duyệt, đây là chính sách công bằng nhất giúp các doanh nghiệp năng lượng tái tạo hoàn toàn yên tâm dốc vốn đầu tư phát triển vào dự án điện. Vì theo cơ chế này, bên bán tức doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển dự án tham gia cơ chế có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn nhờ chủ động được sản lượng phần lớn hoặc toàn bộ điện sản xuất sẽ chắc chắn được mua bởi một khách hàng có uy tín với giá bán điện được cố định trong dài hạn. Điều này giúp các đơn vị phát triển dự án, giảm thiểu được tối đa về rủi ro tài chính và dễ dàng hơn trong vấn đề tiếp cấp các dòng tiền có hạn để tiếp tục phát triển đầu tư dự án.
Nhưng, để DPPA thực sự khả thi, "cần có sự tính toán cụ thể và minh bạch cơ chế bù trừ giữa các bên, các khoản phí như phí sản xuất điện, phí truyền tải, phí phân phối và dịch vụ… đồng thời cần có hành lang pháp lý hoàn chỉnh với các quy chế, các điều khoản khi xảy ra tranh chấp" - đại diện một doanh nghiệp trong ngành chia sẻ.
Đại diện VP Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP HCM cho rằng, cơ chế DPPA được áp dụng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo. Thay vì bây giờ mới lấy ý kiến, đáng ra Tập đoàn Điện lực (EVN) phải triển khai từ lâu rồi. Bởi điện là hàng hoá, còn EVN là doanh nghiệp và theo quy định, hàng hoá phải được vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng thực tế tại Việt Nam, điện lại không hoạt động theo nguyên tắc thị trường khi (EVN) là doanh nghiệp duy nhất cho phép đơn vị hoặc khách hàng được mua hay bán hàng hoá (điện) do chính đơn vị đầu tư làm ra.
Tuy nhiên, theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), khách hàng dùng điện tham gia thí điểm phải có hồ sơ đăng ký đáp ứng các tiêu chí, như cam kết sử dụng năng lượng tái tạo; tỉ lệ sản lượng điện hợp đồng mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm từ 80% trở lên.
Ở chiều ngược lại, về phía nhà đầu tư, đơn vị phát điện, theo DPPA, muốn tham gia thí điểm cơ chế này, dự án điện gió, mặt trời phải có trong quy hoạch, công suất lắp đặt trên 30 MW.
Các dự án này cũng phải cam kết mốc thời gian vận hành thương mại, tham gia thị trường điện trong vòng 9 tháng từ khi được công bố lựa chọn tham gia của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, hồ sơ tham gia thí điểm của dự án cũng phải kèm theo văn bản chứng minh hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính, tín dụng.
Theo Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Sau thí điểm một năm, Cục Điều tiết điện lực sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý... hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng rộng rãi cơ chế này.
Như vậy, nếu cơ chế này được phê duyệt thì sắp tới khách hàng sử dụng điện được sẽ có quyền trực tiếp ký kết hợp đồng, thỏa thuận giá điện mua điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo mà không cần phải qua EVN.
Có thể bạn quan tâm