Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể để khuyến khích đầu tư.
Chia sẻ với DĐDN, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 loại đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.
- Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ngoài nguyên nhân chưa có chính sách riêng cho nhà ở công nhân còn có sự chưa thống nhất giữa các pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân KCN tại Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018 về quản lý KCN và khu kinh tế.
Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp vẫn còn thiếu.
Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng KCN.
- Vậy những hạn chế này sẽ được Bộ Xây dựng khắc phục như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Mặc dù một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân KCN đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan. Do vậy, về lâu dài cần phải nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan, trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, cụ thể:
Về quy hoạch quỹ đất: Trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê. Về lựa chọn chủ đầu tư: giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN hoặc các DN khác hoặc phối hợp với Tổng Liên đoàn đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân. Về đối tượng, điều kiện được thuê nhà công nhân: là công nhân hoặc doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Về tiêu chuẩn thiết kế: diện tích sử dụng tối thiểu khoảng 10 m2/người. Về các cơ chế ưu đãi: miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả KCN.
- Trong khi chờ sửa luật, để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng có giải pháp gì, thưa ông?
Trước mắt, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nghiêp cứu dành một phần quỹ đất dịch vụ trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú công nhân.
Rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư hoặc phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để triển khai thực hiện.
Đối với các dự án nhà ở xã hội gần khu công nghiệp, đề nghị có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ưu tiên hỗ trợ bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Căn cứ điều kiện thực tiễn, đặc thù riêng của các địa phương, triển khai ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với nhà lưu trú công nhân; áp dụng các công nghệ mới trong việc đầu tư xây dựng nhà công nhân đáp ứng mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian thi công, thích ứng môi trường, khí hậu.
- Về nguồn vốn phát triển nhà công nhân được thực hiện ra sao thưa ông?
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Đồng thời, xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho Ngân hàng chính sách xã hội cũng như các tổ chức ngân hàng được chỉ định để cho vay phát triển nhà ở xã hội trong giao đoạn 2021-2025, trong đó sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà công nhân) theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:Một trong những nguyên nhân khiến người dân ào ạt về quê trong thời gian qua là việc xây dựng nhà ở công nhân không đảm bảo. Do đó, mục tiêu của Đồng Nai là hạn chế dần các khu nhà trọ không đạt yêu cầu, tìm các giải pháp để ổn định nơi ở cho người lao động một cách tốt hơn. Đồng Nai sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các dự án nhà ở tại những khu vực có đông công nhân đang sinh sống trong các khu nhà trọ. Tỉnh khuyến khích những hộ gia đình, cá nhân có từ 2.000m2 đất trở lên đầu tư các khu nhà cao tầng để tăng số phòng, căn hộ bán hoặc cho thuê. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA):Những năm qua HoREA luôn khuyến cáo các doanh nghiệp ưu tiên phát triển phân khúc nhà ở cho công nhân, để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế, nguồn cung phân khúc này khá nhỏ giọt và luôn “cháy hàng” ngay sau khi mở bán. Hiện nay, TP HCM có 22 khu công nghiệp, khu chế xuất và 2 khu công nghệ cao, khu phần mềm Quang Trung với 420.000 công nhân. Thế nhưng, báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy, từ 2016-2020, TP HCM chỉ phát triển được thêm 14.954 căn nhà xã hội. Có thể bạn quan tâm
|