Có cơ chế đặc thù, Hà Nội đề xuất làm hai tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng

Diendandoanhnghiep.vn Hai tuyến đường sắt là ga Hà Nội đi Hoàng Mai trị giá khoảng hơn 40.000 tỷ đồng và đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc dài 37,5km, tổng mức đầu tư 66.000 tỷ.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phân tích cơ sở và sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, trước hết là xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thành phố Hà Nội.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét việc thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

Thống nhất trình Quốc hội xem xét việc thí điểm một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

Bỏ mức trần tăng thu phí, lệ phí

Theo đó, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển và thu NSNN của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tại khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật hiện hành.

“Từ các cơ sở trên, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội là cần thiết”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Được biết, theo dự thảo Nghị quyết, cho phép TP Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc Thành phố quản lý.

Cụ thể, về quản lý thu ngân sách nhà nước, Hà Nội được thực hiện thí điểm: thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Các khoản thu tăng thêm ngân sách Thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.

Cùng với đó, TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

TP Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, HĐND Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển KTXH và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Về Mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính, quy định mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9.

Về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, theo ông Nguyễn Đức Hải, tiếp thu ý kiến UBTVQH tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết, đó là: Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ. Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của Thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng. Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công..

Về việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương hưởng 100%): Đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ, nhưng đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND Thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc tăng mức thu phí 1,5 lần so với quy định hiện hành nhưng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu quan điểm không nên khống chế mức tăng 1,5 lần. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý để Hà Nội hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp và hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bỏ trần tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí (trừ lệ phí tòa án). Về một số nội dung khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Về điều khoản thi hành, Dự thảo Nghị quyết quy định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/8/2020 được áp dụng cho đến khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 nhưng không quá ngày 1/8/2025. Như vậy, thời gian áp dụng Nghị quyết là 5 năm. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị xem lại quy định này vì thời gian áp dụng Nghị quyết thí điểm tối đa là 5 năm, không gắn với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời, Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định giao “Chính phủ báo cáo Quốc hội sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2022” để có căn cứ tổng kết đánh giá các cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù này.

Hai tuyến đường sắt trên 100.000 tỷ đồng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ theo giá trị vốn. Thời gian vừa qua, Hà Nội cổ phần hóa và đã thu được 11.000 tỷ. Nhưng mấy năm vừa qua số tiền này cũng giữ lại không nộp về quỹ Tài chính của SCIC.

"Các cụ lão thành nhiều thế hệ nói là tiền này do thành phố đầu tư nên phải giữ lại, lần này Quốc hội quyết định được cái này thì các cụ lão thành rất phấn khởi", ông Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội cũng đề xuất dùng số tiền này vào 1 mục đích xây dựng đường sắt đô thị. Theo ông Chung thì Hà Nội đã làm hồ sơ FS xong rồi, đang trình chính phủ và cố gắng sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 này về 2 tuyến đường sắt là ga Hà Nội đi Hoàng Mai trị giá khoảng hơn 40.000 tỷ đồng và đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc dài 37,5km, tổng mức đầu tư 66.000 tỷ.

Hai dự án này, Chủ tịch Hà Nội khẳng định sẽ đầu tư hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội. Một là lấy từ vốn cổ phần hóa, hai là vốn đầu tư công của thành phố 5 năm bỏ ra 15.000 và nguồn thứ ba là sẽ từ phát hành trái phiếu để. Hai tuyến đường sắt này Hà Nội có thể tự làm được, Chủ tịch Chung nhấn mạnh.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội nhằm tạo cơ chế, nguồn lực chủ động phát triển Thủ đô, đồng thời thực hiện tốt những nội dung quy định trong Luật Thủ đô. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí bổ sung Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín.

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Có cơ chế đặc thù, Hà Nội đề xuất làm hai tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714046056 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714046056 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10