Cô gái mang cà phê phong cách Việt đi chinh phục người Mỹ

HẢI VY 11/10/2021 04:08

Debbie Wei Mullin mang trong mình nửa dòng máu Việt. Vì những ảnh hưởng ẩm thực và nhận thấy tiềm năng của cà phê Việt Nam, cô đã mang cà phê phong cách Việt đi chinh phục người Mỹ.

Mẹ của Debbie là người Việt. Cô đã lớn lên trong hương vị ẩm thực Việt Nam và ấm ủ trong lòng một ý định làm giàu từ ẩm thực Việt trên đất Mỹ. Không chỉ có mình cô, rất nhiều người thân trong gia đình cô cũng có chung ý tưởng và đã mở các quán ăn phong cách Việt. Tuy nhiên, họ đều đã thất bại khiến cô dần nguội lạnh đi ý định này.

Một lần quay về Việt Nam thăm quê, cô cảm thấy rõ hơn bản thân mình thật sự không thích hợp với công việc hiện tại làm một nhân viên ngân hàng, và mong muốn tiến vào giới kinh doanh ẩm thực. Sản phẩm cô muốn đưa ra thị trường là cà phê. Bởi vì Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, bản thân Debbie cũng lớn lên với mùi vị cà phê Việt Nam.

Cà phê Việt Nam là loại cà phê đặc trưng được rang thơm và dùng với sữa đặc. Đây có thể xem là đặc điểm độc nhất vô nhị của cà phê Việt Nam so với thế giới. Vì thế Debbie mong muốn đem sự mới lạ này đến thị trường Hoa Kỳ. Và đó chính là ý tưởng sơ khai của Copper Cow Coffee, công ty cà phê Debbie thành lập ra.

Tại Hoa Kỳ, số lượng công ty phân phối cà phê chế biến sẵn, đóng gói khá ít, và mỗi vùng đều có một thương hiệu cà phê chiếm đóng thị trường. Vậy nên, Debbie tính rằng, nếu có một sản phẩm mới lạ, đồng thời đi theo hướng bán online thì sẽ vượt qua các rào cản địa lý.

Theo cô, sản phẩm này sẽ phù hợp với “làn sóng cà phê thứ ba” đang phổ biến. Đây là một xu hướng kinh doanh cà phê tập trung vào phục vụ và giáo dục khách hàng về sản phẩm.

Tuy nhiên Debbie cũng có biến tấu nhất định. Cô muốn làm một phiên bản California hiện đại của món cà phê Việt Nam.

Ban đầu, Debbie dự định làm theo phong cách cà phê cold-brew (pha lạnh) pha chế sẵn, vì lúc đó cold-brew rất thịnh hành tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên cô đã phát hiện ra đây là một sai lầm trong một lần đưa sản phẩm đi dự triển lãm Fancy Food Show (một trong những chương trình ẩm thực nổi tiếng).

Những mẻ cà phê sữa Việt Nam phương pháp cold-brew mà Debbie mang đi để triển lãm bị hỏng ngay trước giờ khai mạc, vì hỗn hợp sữa và cà phê sẽ bị hỏng nếu không có chất bảo quản.

Trong tình huống ấy, cô chợt nhớ đến loại hình cà phê pour over (lọc bằng giấy lọc và các công cụ khác) mà cô đã thấy trên bàn của nhà cung ứng trong vài tháng trước. Và đó cũng chính là điểm ngoặt của Debbie. Cô quyết định để sản phẩm cà phê sữa Việt Nam đi theo loại hình này, để riêng cà phê và sữa đặc, kem thì để trong gói riêng cho khách cầm đi.

Kết quả là 19 nguyên mẫu cà phê mà Debbie mang đến chương trình đã thành công, lọt vào top 5 sáng tạo hàng đầu của triển lãm. Đây chính là cú hích đầu tiên của Copper Cow Coffee.

Đến hiện tại, những sản phẩm cà phê Việt Nam được chế biến sẵn và có thể uống liền mang thương hiệu Copper Cow Coffee đã trở nên nổi tiếng hơn. Khách hàng có thể dễ dàng thưởng thức cà phê ngay tại nhà hoặc mang đi.

Theo Debbie, điểm khiến thương hiệu của cô nổi bật chính là bản thân cà phê. Với khách hàng, thì hương vị cà phê là quan trọng nhất. Do đó, Copper Cow Coffee lấy cà phê Việt Nam làm cốt lõi để xây dựng nên sản phẩm và các hương vị, gắn liền thương hiệu với loại cà phê này. Theo cô, cà phê Việt Nam đặc biệt ở chỗ sinh trưởng trên đất bazan, hạt bóng và mẩy, được rang thơm, dùng chung với sữa đặc.

Debbie cũng rất kỹ lưỡng từ khâu chọn nhà cung ứng. Cô chia sẻ rằng trong chuyến đi về Việt Nam đầu tiên, cô đã đến từng nông trại và nhà máy rang xay để tìm ra bên có thể cung ứng sản phẩm mà cô mong muốn đem ra thị trường.

Liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, Copper Cow Coffee cũng tiến hành đăng ký để được chứng nhận công bằng thương mại và cố gắng trở thành công ty cà phê Việt Nam hữu cơ đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Ngoài những sản phẩm cà phê truyền thống, Copper Cow Coffee cũng sáng tạo các hương vị cà phê khác với các loại hoa, thảo mộc tự nhiên. Chẳng hạn món latter hoa oải hương cũng sẽ có hoa oải hương thật trong sản phẩm. Những hương vị mới này cũng thúc đẩy doanh số khá nhiều.

Bên cạnh đó, Copper Cow Coffee cũng cho phép khách hàng tùy chỉnh công thức một chút để cho ra món cà phê phù hợp nhất. Chẳng hạn khách có thể đặt lượng sữa, lượng kem tùy thích. Hơn thế nữa, Debbie cho biết cô sẽ thử nhiều phương pháp pha chế cà phê khác ngoài pour over. Vì cô tin rằng có rất nhiều cách phù hợp với cà phê Việt Nam.

Trước khi đại dịch xảy ra, cà phê của cô đã nổi tiếng ở Southern California và Rocky Mountain. Đây cũng chính là cơ sở để thương hiệu Copper Cow Coffee vươn ra toàn Hoa Kỳ. Đến tháng 10 năm nay, sản phẩm của Copper Cow Coffee sẽ có mặt tại mọi kệ hàng của Whole Foods - chuỗi đại siêu thị đã được Amazon mua lại vào năm 2017. Từ giờ, nhiều người Mỹ sẽ được biết đến cà phê phong cách Việt Nam hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • 'Tập tành' bán cafe dạo, một nông dân Mỹ bất ngờ trở thành tỷ phú

    'Tập tành' bán cafe dạo, một nông dân Mỹ bất ngờ trở thành tỷ phú

    04:26, 18/09/2021

  • Quốc tế hóa ngành cà phê Việt Nam

    Quốc tế hóa ngành cà phê Việt Nam

    04:00, 21/08/2021

  • Chuyện Starbucks chuyển đổip/(Kỳ 2): Khi công ty công nghệ đi bán cà phê

    Chuyện Starbucks chuyển đổi (Kỳ 2): Khi công ty công nghệ đi bán cà phê

    05:08, 17/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cô gái mang cà phê phong cách Việt đi chinh phục người Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO