Việc đầu tư công ở các dự án trọng điểm quốc gia vượt tiến độ như sân bay Long Thành hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ hơn.
>>TP.HCM: Dự án Vành đai 2 tiếp tục lùi tiến độ
Theo ông Dương Quang Điện - Phó Giám đốc thường trực Ban quản lý dự án Long Thành, đường cất cánh sân bay Long Thành hiện đang vượt tiến độ 2 tháng sau hơn 9 tháng thi công, dự kiến sẽ hoàn thành khai thác kỹ thuật trước 30/5/2025.
Sân bay Long Thành vượt tiến độ
Theo đó, dự án nhà ga vượt tiến độ 10 ngày và dự án đường băng (số 1) vượt tiến độ 2 tháng. Trong đó, hạng mục đường băng dự kiến sẽ kịp đưa vào khai thác kỹ thuật vào cuối tháng 4/2025.
Sau 9 tháng kể từ ngày khởi công, phần móng cọc nhà ga hành khách đã hoàn thiện, hạng mục san nền thoát nước cơ bản đã hoàn thành. Bên cạnh đó, các gói thầu đều đã đáp ứng tiến độ đề ra. Các nhà thầu cũng tập kết, lắp đặt và vận hành nhiều thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục.
>>Diễn biến trái chiều thị trường nhà ở Hà Nội - TP.HCM
Qua ghi nhận tại công trường nhà ga hành khách, các nhà thầu huy động gần 3.300 nhân sự và hơn 1.100 trang thiết bị phục vụ thi công. Ở hạng mục đường băng và đường lăn sân đỗ, các nhà thầu đã huy động khoảng 1.700 nhân sự và 350 trang thiết bị máy móc với 50 mũi thi công; dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 336.630 tỷ đồng (trên 16 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn xây dựng. Cụ thể, giai đoạn đầu tiên, dự án xây dựng trên diện tích hơn 2.500 ha với giá trị đầu tư 114.450 tỷ đồng, gồm một đường cất hạ cánh (gói 5.10), nhà ga hành khách (gói 4.6) cùng các hạng mục phụ trợ (đường kết nối, tháp không lưu…) với công suất 25 triệu khách/năm. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác vào năm 2026.
Cơ hội từ đầu tư công
Có thể thấy, tốc độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm của đất nước cũng là tín hiệu vui cho lĩnh vực bất động sản. Theo thống kê của Savills, hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn và 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai TP. HCM.
Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, với cam kết tạo ra mạng lưới giao thông toàn quốc toàn diện vào năm 2045. Mạng lưới đó sẽ bao gồm 5.000 km đường cao tốc, một cảng nước sâu và hai tuyến đường sắt cao tốc. Một trong những dự án tạo tác động lớn là sân bay quốc tế Long Thành gần TP.HCM có khả năng phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm và vận chuyển 5 triệu tấn hàng hóa.
Qua nghiên cứu từ các chuyên gia, nhiều phân khúc của thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi từ quá trình đầu tư công. Điển hình như phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có thể đón thêm hàng triệu khách mỗi năm khi các dự án hoàn thành. Cùng với đó, công suất hàng hoá vận chuyển bổ sung cũng sẽ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sản xuất và kho bãi ở các khu vực xung quanh sân bay, tạo đà cho bất động sản công nghiệp và kho bãi phát triển.
Như ông Paul Tostevin - Giám đốc Savills World Research đánh giá, việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan mật thiết đến sự phát triển bất động sản, bởi nơi nào có cơ sở hạ tầng phát triển thì văn phòng, nhà kho, cửa hàng và khu dân cư thường theo sau.
Theo ông Paul Tostevin, khi một dự án giao thông vận tải hoặc năng lượng được hỗ trợ nguồn vốn hợp lý ngay từ giai đoạn đầu, nó sẽ mang lại sự an tâm cho các nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản, giúp họ tự tin triển khai kế hoạch. Đặc biệt, đối với những đơn vị đang và sẽ thuê văn phòng, không gian bán lẻ hoặc bất động sản công nghiệp, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ góp phần củng cố niềm tin của họ.
Dù vậy, ông Paul Tostevin cũng lưu ý rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng đi kèm với rủi ro liên quan đến tính chất lâu dài của mỗi dự án. Theo ông, điều kiện chính trị và kinh tế có thể thay đổi đáng kể trong 5-10 năm, khiến các dự án tạm thời bị đình chỉ, thu hẹp quy mô hoặc gặp vấn đề về tài chính.
Có thể bạn quan tâm