Tăng vốn đang là nhu cầu lớn của các ngân hàng nói chung trong hệ thống, cấp thiết thúc đẩy khả năng nới room ngoại của một số ngân hàng đủ điều kiện để bổ sung nguồn vốn.
>>Nóng hổi quy định tại Dự thảo về nới room ngoại của ngân hàng
Năm 2022, các ngân hàng đứng trước những thách thức lớn về nguồn vốn.
Thứ nhất, đó là tăng trưởng huy động suy giảm so với cùng kỳ và nhiều năm trước đây, kể cả huy động từ doanh nghiệp hay dân cư.
Theo thống kê từ NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2022, sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi đẩy tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng niêm yết lên mức cao trong 10 năm trở lại đây, tiệm cận mức trần là 85%. Trong khi đó, cung tiền M2 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng qua, thấp nhất trong 10 năm nay. Theo đó, tăng trưởng huy động của hệ thống tăng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng, nới rộng khoảng cách huy động - cho vay kể từ đầu năm.
CTCK Rồng Việt tính toán chi tiết là đến cuối tháng 9/2022, tăng trưởng huy động ước đạt 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, huy động vốn từ các tổ chức kinh tế tăng trưởng 10%, so với mức bình quân 17,9% giai đoạn 2013 – 2021. Huy động vốn từ dân cư chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trung bình 13,3% trong giai đoạn 2013 – 2021.
VDSC cho rằng xét về xu hướng, tăng trưởng huy động vốn từ doanh nghiệp liên tục suy giảm từ đầu năm đến nay, huy động vốn từ dân cư cải thiện trong nửa đầu năm nhưng không thay đổi nhiều trong quý III. Tốc độ tăng cung tiền liên tục suy giảm, chỉ tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ, chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng bình quân cung tiền của giai đoạn 2013 – 2021.
Điều này đã dẫn đến có những giai đoạn căng thẳng thanh khoản trong hệ thống khiến NHNN phải sử dụng các công cụ và biện pháp trung hòa, bơm tiền để giải tỏa căng thẳng và giảm áp lực nhằm giữ ổn định lãi suất, tỷ giá. Đến quý IV/2022, NHNN đã nới rộng cung tiền với quyết định nới room tín dụng, tuy nhiên không hoàn toàn mở rộng. Theo đó, một số đợt tăng lãi suất huy động của các TCTD đã đưa lãi suất đầu vào lên một mặt bằng mới.
>>Nới room ngoại cho ngân hàng
Tuy nhiên, áp lực nguồn vốn của hệ thống ngân hàng không chỉ đến từ suy giảm huy động vốn.
Thứ hai, có thể thấy việc các TCTD phải thực hiện giảm tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn theo lộ trình từ 1/10/2022, với tỷ lệ điều chỉnh từ 37% xuống 34%, là tăng thêm một tầng áp lực khác.
Theo CTCK Yuanta Việt Nam, tỷ lệ CAR chung của toàn ngành vào cuối tháng 10, 2022 là 11,7%, cao hơn so với mức yêu cầu tối thiểu của Basel II là 8,0%. Tuy nhiên, tỷ lệ CAR của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (NHTMNN) chỉ ở mức 9,0%, cao hơn một chút so với mức yêu cầu tối thiểu 8,0%. Vì vậy, các NHTMNN sẽ phải huy động thêm vốn để có thể cải thiện “bộ đệm vốn”.
Bên cạnh đó, "vốn "kẹt" trong trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng thêm thiếu vốn. TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính cho rằng với khó khăn của thị trường bất động sản trong 2022, và khi các ngân hàng là một trong những nhà tài trợ trái phiếu lớn nhất của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản với trái phiếu dài hạn, thì vốn tài trợ dài hạn gồm cả tín dụng lẫn trái phiếu có thể bị "kẹt" khi các doanh nghiệp bất động sản cạn thanh khoản; dẫn đến "kẹt vốn" của ngân hàng.
Yuanta Việt Nam nhận định, một số ngân hàng đầu tư nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu bất động sản (ví dụ MBB: chiếm 7,5% tổng tài sản, NVB: 7,1%, TPB: 7,1%, TCB: 6,5% và VPB: 6,4%) sẽ gặp rủi ro cao hơn so với các ngân hàng có tỷ lệ trái phiếu thấp (ví dụ: ACB: 0%).
Chính vì khó khăn về nguồn vốn khi ngân hàng Việt Nam đang sử dụng đòn bẩy cao và chịu áp lực huy động vốn như kể trên, và việc tăng cường nguồn vốn của các ngân hàng là rất quan trọng đối với sự bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam, Yuanta Việt Nam cho rằng điều này cũng dẫn đến các khả năng nới thêm room ngoài quy định chung và bán vốn.
Chẳng hạn, với VietinBank và nhu cầu tăng vốn để cải thiện "bộ đệm vốn", một việc cấp thiết đối với trường hợp của ngân hàng này, nhưng hiện tại ngân hàng này khó có thể huy động thêm vốn khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài gần như đã được lấp đầy trong bối cảnh room ngoại bị giới hạn, lối thoát của CTG sẽ là gì? Nếu chiếu theo hiệu lực của Hiệp định EVFTA thì VietinBank (và 3 ngân hàng có vốn Nhà nước còn lại là Vietcombank, BIDV, Agribank), sẽ không thuộc diện được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49%, tuy nhiên theo ghi nhận tại cuối 2022 từ tổng kết của Bộ Tài Chính và gần nhất là Chỉ thị 01/CT-NHNN, các ngân hàng đang có kế hoạch để tiếp tục được triển khai tăng vốn.
Trong khi đó, với nhóm NHTM có hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD yếu kém, cơ chế ưu tiên đang tạo thêm cửa tăng vốn có thể thuận lợi để tăng nguồn lực cần thiết cho quá trình hỗ trợ. Yuanta Việt Nam cho biết, NHNN gần đây đang xem xét việc nới room cho các ngân hàng đã tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém (như HDB, MBB và VPB) lên cao hơn so với mức hiện tại là 30%, nhưng sẽ không vượt qua mức 49%.
"Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng việc này sẽ xảy ra trong ngắn hạn do nguồn vốn tại các ngân hàng này thực sự khá vững chắc và sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, nếu NHNN xem xét việc nới room lên trên mức 30% (giả sử là 35%), điều đó chắc chắn sẽ giúp cải thiện bộ đệm vốn. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ có lợi cho các ngân hàng đã hết room ngoại như là CTG, với tỷ lệ sở hữu nước ngoài gần đạt 30% và ngân hàng này cũng cần tăng thêm vốn", Bộ phận Phân tích của Yuanta Việt Nam nhận định.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý đến một số trường hợp nhà băng đã dự phòng kế hoạch tăng vốn để tăng tốc trong cuộc đua 2023, như VPB có kế hoạch sẽ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và kỳ vọng giao dịch này sẽ hoàn tất vào đầu năm 2023; hay VCB cũng có dự kiến bán 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng kế hoạch này đã bị trì hoãn trong hai năm qua. Vietcombank cho biết sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Đáng chú ý trong 2023, với chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, việc mở rộng cung tiền trong khi tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức cao sẽ ít khả năng xảy ra, việc khan hiếm nguồn vốn cũng có thể tiếp tục căng thêm khi theo lộ trình tới tháng 10/2023, các ngân hàng sẽ phải triển khai áp dụng điều chỉnh tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% hiện tại xuống còn 30%. Theo đó, việc chuẩn bị cho huy động vốn, tăng vốn sẽ được xem là chiến lược cần của trung và dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Cổ đông HDBank thông qua phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế và nâng “room ngoại”
15:21, 16/12/2022
Nới room ngoại cho ngân hàng
04:30, 09/05/2022
Sôi động huy động vốn ngoại
03:30, 18/12/2022
Thấy gì từ chuyện các ngân hàng bàn nhận "chuyển giao bắt buộc” tổ chức tín dụng?
05:20, 10/05/2022
ĐHĐCĐ Vietcombank 2022: 6 đột phá chiến lược và nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém
19:00, 29/04/2022
HDBank dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng nào?
05:20, 19/08/2022