Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 4/2022 là 185.199 người, giảm 17% so với quý 3 nhưng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021
>>>“Hiện đại hoá” thị trường lao động
Về lý thuyết kinh tế trong ngắn hạn, tỷ lệ thất nghiệp tỷ lệ nghịch với mức lạm phát nhưng thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại nghịch lý: tỷ lệ thất nghiệp tăng và mức lạm phát cũng tăng.
Theo Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 4/2022 là 185.199 người, giảm 17% so với quý 3 nhưng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3.406.027 đồng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức hưởng bình quân cao nhất cả nước (mức 5,4 triệu đồng) rồi đến các thành phố lớn khác như TP Hà Nội (hơn 4,4 triệu đồng), tỉnh Đồng Nai (hơn 4,1 triệu đồng), TP Đà Nẵng (hơn 4 triệu đồng).
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Xuân Liễu - Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm cho biết: thị trường lao động có nhiều biến động trong quý 4/2022, một số ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến gỗ,… cắt giảm đơn hàng dẫn đến cắt giảm lao động. Phần lớn người thất nghiệp, nghỉ việc là lao động phổ thông, không muốn mất thời gian cho việc học tập hoặc tìm nghề mới nên quan tâm đến tiền trợ cấp và tìm việc khác.
Quý 4 cũng là thời điểm ngành dịch vụ tăng trưởng trở lại đã thu hút lượng lớn lao động. Số người được các Trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm là 40.534 người tương đương với số người được giới thiệu việc làm năm 2021 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019. Chưa kể, số lao động tự tìm kiếm việc làm hoặc thông qua các kênh giới thiệu việc làm khác.
Theo dự báo của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tác động đến Việt Nam khiến doanh nghiệp còn cắt giảm lao động.
Số liệu lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp phần nào phản ánh bức tranh thị trường lao động hiện nay. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện giảm giờ làm, giảm lao động do suy thoái kinh tế, giảm đơn hàng. Lao động thất nghiệp tăng lên trong tình trạng lạm phát những tháng cuối năm đang gia tăng.
Về lý thuyết kinh tế trong ngắn hạn, tỷ lệ thất nghiệp tỷ lệ nghịch với mức lạm phát nhưng thị trường lao động đang ngược lại: tỷ lệ thất nghiệp tăng và mức lạm phát cũng tăng. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: Nghịch lý ở thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể hiểu được. Về lý thuyết, trong điều kiện môi trường kinh tế hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc thị trường thì lạm phát tăng, thất nghiệp giảm nhưng Việt Nam có đặc điểm kinh tế đặc thù. Vai trò của Nhà nước, cách thức can thiệp của Nhà nước, Chính phủ cũng rất khác với các quốc gia khác.
Nghịch lý có thể xảy ra, cộng với thời điểm thực tiễn hiện nay, xu thế lạm phát trong ngắn hạn do nhiều nguyên nhân liên quan đến thị trường tiêu dùng nội địa quy mô 100 triệu dân và tác động bên ngoài, đồng thời thất nghiệp do tác động của chiến tranh, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng... dẫn đến mất đơn hàng.
Trong dài hạn, về mặt lý thuyết sẽ quay lại điểm thất nghiệp tự nhiên, tức là mức thất nghiệp đảm bảo cho nền kinh tế tái cấu trúc, tái cơ cấu. Các doanh nghiệp cũng tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm, ứng dụng công nghệ, đầu tư, lĩnh vực, ngành hàng… dẫn đến phải có sự điều chỉnh lao động. Điều này là bình thường và tốt cho nền kinh tế.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Vịnh, để đảm bảo tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, trong ngắn hạn, liên quan đến việc giải quyết cân bằng cung cầu, giá cả lao động tức tiền lương bình quân; còn trong dài hạn là vấn đề liên quan đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện mô hình: Nhà nước đào tạo nhân lực để doanh nghiệp, xã hội sử dụng nhưng đào tạo không theo kịp theo nhu cầu thị trường khiến cung cầu lệch pha. Vì vậy, trong cấu trúc lại thị trường lao động, cốt yếu nhất cần có sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo.
Nói cách khác, đào tạo gắn kết phía cầu - tức là cách thức sử dụng lao động hơn là về phía cung. Ông Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, cần phải có chiến lược, cách thức, bước đi để phát triển nhân lực gắn với cầu hơn là cung.
Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, Quỹ bảo trợ thất nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã đưa vào hoạt động ở Việt Nam nhiều năm nhưng theo ông Nguyễn Văn Vịnh, vai trò của quỹ này chưa được phát huy. Nếu quỹ bảo hiểm thấy nghiệp được vận hành tốt, khi tái cấu trúc, doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề lao động dễ dàng hơn. Đây là biện pháp mà Chính phủ cần chú ý tới để tạo ra định chế song song với thị trường lao động để tái cấu trúc kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
"Nghịch lý" thị trường lao động cuối năm
11:34, 30/12/2022
Thái Bình: Đào tạo nhân lực bám sát nhu cầu thị trường lao động
11:27, 17/12/2022
Thị trường lao động hậu COVID-19: “Lỗ hổng” khó bù
06:19, 22/11/2022
Nam Định: Phát triển phục hồi thị trường lao động sau dịch COVID-19
00:17, 29/09/2022
Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động
04:05, 20/09/2022
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
20:02, 20/08/2022
Thị trường lao động nhộn nhịp giai đoạn 6 tháng cuối năm
04:50, 21/07/2022
Những xu hướng đáng chú ý của thị trường lao động
01:30, 08/07/2022