Áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ vơi bớt khi FED được dự báo sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù vậy, NHNN cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc duy trì chính sách tiền tệ hiện hành.
Tỷ giá, lãi suất vơi áp lực
Phát biểu tại Hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming cuối tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell đã nói rõ rằng cơ quan này sẽ không ngần ngại cắt giảm lãi suất trong tháng 9 tới.
Trích dẫn các dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục “hạ nhiệt” dần về mức mục tiêu 2% của FED, trong khi thị trường lao động Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, ông Powell cho biết đã đến lúc chính sách tiền tệ của FED phải điều chỉnh và nhấn mạnh thêm rằng FED sẽ làm mọi việc có thể để hỗ trợ thị trường lao động.
Đồng USD đã giảm mạnh sau phát biểu của Chủ tịch FED do thị trường kỳ vọng FED sẽ thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 17-18/9 tới. Chỉ số USD hiện đang xoay quanh ngưỡng 100,9, giảm hơn 5% so với mức đỉnh của năm thiết lập hồi giữa tháng 4/2024.
Với diễn biến “hạ nhiệt” của lạm phát và thị trường lao động Mỹ trong các tháng gần đây, thị trường hiện đang đặt kỳ vọng cao hơn vào khả năng FED thực hiện cắt giảm lãi suất trong cả 3 cuộc họp cuối cùng của năm nay. Theo các nhà phân tích, xu hướng giảm giá của đồng USD sẽ làm giảm áp lực đối với tỷ giá và cả lãi suất ở Việt Nam.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết, VND có thể phục hồi trong những tháng cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của nhân dân tệ và sự suy yếu của USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của FED được chú trọng. “Chúng tôi kỳ vọng VND sẽ tăng dần so với USD lên 25.200 VND/USD trong quý III/2024, 25.000 VND/USD trong quý IV/2024, 24.800 VND/USD trong quý I/2025 và 24.600 VND/USD trong quý II/2025”, ông Suan Teck Kin nhận định.
Bên cạnh xu hướng giảm giá của đồng USD, tỷ giá trong nước còn nhận được sự hỗ trợ tích cực nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế nước dồi dào. Theo đó, cán cân thương mại 7 tháng thặng dư tới hơn 14 tỷ USD, giải ngân vốn FDI cũng đạt hơn 12,5 tỷ USD, đó là chưa kể nguồn thu từ du lịch, kiều hối.
Cơ hội song hành thách thức
Viễn cảnh đó được không ít các nhà phân tích nhận định sẽ tạo dư địa cho NHNN duy trì nới lỏng tiền tệ. “Lạm phát trong vòng kiểm soát và áp lực tỷ giá giảm bớt sẽ tạo điều kiện để NHNN duy trì chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giữ mặt bằng lãi suất điều hành ở mức hiện tại”, các chuyên gia phân tích của BVSC nhận định.
Trên thực tế, áp lực tỷ giá giảm đã giúp NHNN giảm lãi suất hoạt động thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm vào ngày 5/8/2024. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhờ đó cũng giảm dần. Hiện lãi suất cho vay qua đêm đã giảm xuống 4,42%/năm; kỳ hạn 1 tuần cũng giảm còn 4,52%/năm và 1 tháng giảm về mức 4,60%/năm.
TS Nguyễn Đức Độ - Chuyên gia tài chính nhận định, tỷ giá giảm sẽ tạo điều kiện cho NHNN có thể mở rộng cung tiền, hạ lãi suất điều hành, từ đó mặt bằng lãi suất có thể giảm hoặc duy trì ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá và lãi suất vẫn còn khi mà USD trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức cao, trong khi lạm phát trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ thường tăng trong những tháng cuối năm, sẽ tạo áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn.
Theo một quan chức của NHNN, tỷ giá có thể giảm áp lực trong nửa cuối năm nay, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Điều đó cũng có nghĩa NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng và linh hoạt nhằm đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế.
Thậm chí trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của KB Việt Nam còn nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 50 điểm cơ bản từ nay cho tới cuối năm 2024, khiến lãi suất cho vay có khả năng nhích nhẹ. “Lãi suất cho vay đã giảm xuống thấp tương đối so với mức đỉnh cuối năm 2022 theo chủ trương hạ lãi suất hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính Phủ và NHNN. Tuy nhiên với diễn biến tăng trở lại của chi phí huy động vốn, lãi suất cho vay đã tạo đáy và nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm”, KBSV dự báo.
Như vậy, dù NHNN có thêm dư địa giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện hành, thậm chí có thể nới lỏng tiền tệ hơn nữa khi FED cắt giảm lãi suất, nhưng lại đối mặt với không ít thách thức khi USD vẫn đang ở mức cao trên thị trường thế giới. Vai trò trú ẩn của USD có thể tăng khi bất ổn kinh tế gia tăng, hoặc căng thẳng địa chính trị bùng phát mạnh.