Việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương là thời cơ lịch sử để xây dựng một đô thị lớn, trở thành một cực tăng trưởng mới, xứng tầm quốc gia và khu vực.
Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng tại hội thảo “70 năm xây dựng và phát triển Hải Phòng - Thành tựu và khát vọng vươn mình” mới đây.
Cơ hội lớn
Cách đây tròn 70 năm, vào ngày 13/5/1955, Hải Phòng chính thức được giải phóng, mở ra một trang sử mới trong hành trình xây dựng, phát triển và hội nhập. Trong 70 năm qua, Hải Phòng luôn tiên phong, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, là một cực tăng trưởng năng động, sáng tạo của đất nước.
Đặc biệt, từ khi đất nước thống nhất và thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng sáng tạo ra cơ chế khoán mới trong nông nghiệp, phương châm về công tác dân vận “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phong trào “Xóa nhà tranh, vách đất”…
Trong gần hai chục năm, Bộ Chính trị đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng, đó là Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003, về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019, về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” tạo cơ sở cho Hải Phòng tiếp tục vươn lên tầm cao mới.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, hiện TP Hải Phòng đang cùng cả nước bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khát vọng vươn mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy, cải cách hành chính đang mở ra cơ hội và cả những thách thức lớn chưa từng có đối với các địa phương, trong đó có Hải Phòng. Việc hợp nhất Hải Phòng và Hải Dương là thời cơ lịch sử để xây dựng một đô thị lớn, trở thành một cực tăng trưởng mới, xứng tầm quốc gia và khu vực.
Đồng quan điểm trên, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, tiến hành sáp nhập tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng là một bước đi mang tính chiến lược, có thể tạo ra một "siêu đô thị ven biển" với quy mô, năng lực và vai trò vượt trội trong mạng lưới đô thị quốc gia và khu vực. Trên cơ sở những lợi thế tổng hợp về vị trí địa lý, hạ tầng cảng biển - hàng không - logistics, truyền thống công, nông nghiệp - thương mại và nền tảng văn hóa - xã hội, TP Hải Phòng mở rộng sẽ có cơ hội tái định vị mình trở thành cửa ngõ chiến lược của Việt Nam hướng ra biển lớn, trung tâm logistics, có công, nông nghiệp hiện đại gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành động lực phát triển mới cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, với năng lực kết nối liên vùng và xuyên biên giới ngày càng cao.
Gợi mở những sáng kiến, kinh nghiệm quốc tế
Với vị trí chiến lược, hệ thống cảng biển phát triển và nền kinh tế năng động, Hải Phòng đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, tầm cỡ khu vực và châu lục nhưng vẫn đậm đà bản sắc của một thành phố biển.
Tại hội thảo hội thảo “70 năm xây dựng và phát triển Hải Phòng - Thành tựu và khát vọng vươn mình” mới đây, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học từ kết quả nghiên cứu của mình đã đề xuất với Hải Phòng những kế sách hay có tính khả thi áp dụng trong thực tiễn để phát triển tiềm năng, lợi thế của thành phố như những giải pháp phát triển TP Hải Phòng sau khi hợp nhất với tỉnh Hải Dương. Đồng thời cũng gợi ý các nhóm giải pháp đột phá, những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hải Phòng phát triển trong thời gian tới.
Ông Lê Tiến Châu cho biết: “Hội thảo là luận cứ khoa học và thực tiễn quan trọng, giúp lãnh đạo thành phố hoạch định các chính sách, quyết sách phù hợp để Hải Phòng tiếp tục vươn xa hơn, bứt phá mạnh mẽ hơn, trở thành đô thị dẫn đầu trong hành trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Ông Lê Tiến Châu cũng gợi mở, TP Hải Phòng cần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh tế số; giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân của Hải Phòng. Đầu tư hạ tầng chiến lược, giao thông kết nối vùng, cảng biển và đô thị thông minh. Đồng thời, đề cập đến việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu từ các đô thị phát triển thành công trên thế giới, như Singapore, Seoul, Thượng Hải, Thâm Quyến… nhằm tìm kiếm các hướng tiếp cận mới phù hợp với điều kiện Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Thực tế, trong những năm qua, khu vực nội đô TP Hải Phòng đã được tập trung đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại, hình thành nhiều khu đô thị mới phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng. Dải trung tâm thành phố được chỉnh trang, nâng cấp. Một số chung cư cao tầng đã được xây dựng thay thế các chung cư cũ xuống cấp. Các ngõ phố, hè đường được đầu tư chỉnh trang đồng bộ, hình thành một số cầu vượt, nút giao thông hiện đại. Một số khu đô thị, chung cư, nhà ở xã hội đã và đang được xây dựng đồng bộ cùng với các công trình phúc lợi công cộng. Đặc biệt đã hoàn thành Trung tâm Chính trị - Hành chính mới và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố tại Thủy Nguyên.
Ông Nguyễn Quang Văn - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng chia sẻ, nhờ những thay đổi về quy mô và diện mạo, cũng như triển vọng năng lực, đô thị Hải Phòng ngày càng được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, gắn với định hướng trở thành thành phố quốc tế đô thị xanh, đô thị thông minh và “đô thị hàng hải toàn cầu”.
Theo các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đô thị hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc tái cấu trúc không gian phát triển theo hướng mở rộng đô thị trung tâm, tăng tính liên kết vùng là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với xu thế hiện đại hóa. Tuy nhiên, Hải Phòng cần có tư duy quy hoạch mới, tầm nhìn dài hạn và cơ chế quản trị linh hoạt nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa công nghiệp hóa và chất lượng sống đô thị.
GS.TS. Nguyễn Văn Khánh cho rằng, Hải Phòng cần huy động và phân bổ nguồn lực thông minh, hiệu quả, trong đó nhân lực chất lượng cao, công nghệ và thể chế giữ vai trò trung tâm. Nếu thực hiện được mục tiêu đề ra, Hải Phòng sẽ không chỉ tiếp nối vai trò "thành phố cảng trung tâm" như đã được khẳng định trong lịch sử, mà còn vươn mình trở thành hình mẫu quản trị đô thị tiên tiến, nơi hội tụ các yếu tố hiện đại, văn minh và bền vững.
Còn TS. Phạm Hữu Thư – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải Phòng cho rằng, để Hải Phòng vươn tầm khu vực và châu lục, hiện thực hóa những mục tiêu mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã đề ra, TP Hải Phòng cần chú trọng nghiên cứu kinh nghiệm của một số đô thị tiêu biểu trên thế giới có điều kiện tương đồng như Hải Phòng, trong đó các thành phố này đều phát triển theo mô hình đô thị tích hợp “3 trong 1”: vừa là đô thị toàn cầu (hoặc đô thị hàng hải toàn cầu), vừa là đô thị thông minh và đô thị xanh. Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông đặc biệt là đường sắt để Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ cảng, vận tải biển, logistics lớn của cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng khu trung tâm tài chính chuyên biệt phục vụ phát triển logistics và công nghệ như kinh nghiệm của Thâm Quyến. Tập trung xây dựng khu Kinh tế phía Nam và Khu thương mại tự do với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với những cơ chế, chính sách vượt trội…