Đội nắng, dầm mưa, dìu dắt nhau hàng nghìn km để cùng vợ, con trở về quê hương như một sự tìm kiếm nơi bình yên bởi không còn cách nào khác khi việc làm không, nguy cơ thiếu thốn hiện hữu.
Dòng người ấy cùng hình ảnh đói, khát dọc dài vạn dặm trong suốt những ngày này khiến tôi cứ ám ảnh mãi khi thấy đồng bào mình, người thân mình đang phải “chạy dịch”, bỏ lại sau lưng tất cả để trở về sau bao năm tất tả ra đi.
Một cuộc tản cư chủ yếu là lao động phổ thông, người dân nghèo chưa từng có trong lịch sử bởi chẳng còn cách nào khác là phải trở về để “chia lửa” cho địa phương, nơi cả gia đình bao năm vẫn sống, làm việc. Nhiều người đã như mặc định gắn bó suốt cả cuộc đời ở quê hương thứ 2 của mình để ươm mầm khởi nghiệp khi chính những người con của mình sinh ra an bình ngay trên vùng đất hứa này đến bây giờ cũng phải chấp nhận bỏ lại.
Miền Nam, cụm từ mà nhiều thanh niên đến tuổi lao động ở quê tôi thường tìm tới cách đây vài thập niên để lựa chọn việc làm, lập nghiệp. Họ đi xa để thoát khỏi cảnh “cánh cò chao tìm không ra bến đậu” mỗi mùa lũ tới, hay nóng nắng gió Lào quần quật đến cỏ cây cũng không thể nảy nổi mầm chồi.
Và, Bình Dương, Đồng Nai, Long An rồi TP Hồ Chí Minh…trở thành nơi cưu mang, tạo việc làm, nuôi lớn hàng nghìn con người “ngụ cư” cùng với người bản xứ để dựng xây, làm việc.
Cứ như vậy, hết lớp này đến lứa khác, đến tuổi thành niên, miền Nam vốn dĩ được xem như vùng đất hứa khi quê hương mình chưa thể thoát khỏi cảnh nghèo nàn, túng khó. Có chăng cũng chỉ lác đác vài nhà máy, xí nghiệp được thu hút đầu tư nhưng sự lựa chọn việc làm trở thành ước mơ xa xỉ với bao lớp người từ nhiều năm nay.
Cũng giống như nhiều người con xứ Nghệ, dọc dài mảnh đất miền Trung, nhiều người đã rứt bỏ ra đi để lập nghiệp, để tìm kiếm tương lai tươi sáng hơn cho mình, vậy mà…
Dịch COVID-19 bùng phát 19 tỉnh, thành phía Nam trong đó tâm điểm là TP Hồ Chí Minh đã khiến hàng triệu người tha phương, bám trụ bao năm nay bây giờ phải tất bật trở về cố hương.
Trong dòng người hoà mình vào cuộc “thiên di” những ngày này, hình ảnh những con trẻ mới chập chững biết nói hay cả các hình hài con thơ mới 10 ngày tuổi cũng phải theo cha mẹ đội mưa, dãi nắng vượt hàng nghìn km từ Bình Dương, Đông Nai…về quê Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá.
Có thể, bây giờ các con không hiểu nổi bối cảnh dịch COVID-19 nguy hiểm, ám ảnh như thế nào nhưng chắc chắn, sau này khi trưởng thành, thế hệ tương lai của đất nước sẽ phải nhìn lại, nghĩ lại một quãng thời gian buồn của nhân loại, trong đó có cha mẹ của mình.
Quãng thời gian mà cả thế giới chứ không chỉ riêng đất nước mình đã phải gồng mình, chia nhau từng ngụm nước, gói mỳ ăn tạm qua bữa trên hành trình “chạy dịch” hay ở lại chiến đấu, đẩy lùi dịch COVID-19. Ở thời khắc ấy, trong cơn hoạn nạn, chưa bao giờ tình người chúng ta lại nhóm cụm với nhau để tạo thành tinh thần lớn quật cường, vươn lên.
Cũng không thể quên được sự đùm bọc, sẻ chia của tinh thần “thương người như thương thân” của không ít người đã cưu mang, giúp đỡ dòng người nghèo khó trên hành trình thiên lý rời miền Nam, ngược ra Bắc để về quê. Nhiều đấng hào kiệt, doanh nghiệp đã tự nguyện phát tâm sẵn sàng kết nối, “tiếp sức” để đưa các gia đình có con nhỏ, phụ nữ mang thai nghèo khó, sức cùng lực kiệt trở về cố hương…
Với dòng người tản cư từ miền Nam về quê, họ không có sự lựa chọn nào khác nữa khi “kẻ thù giấu mặt” cứ len lỏi, rình rập để uy hiếp tính mạng không trừ một ai. Bởi gia tài cạn kiệt, việc làm không có, dịch dã bủa vây. Bản năng sinh tồn, họ chẳng thể bấu víu vào đâu được thêm nên cố hương là chốn lựa chọn để có thể dung thân khi quyết định bỏ lại sau lưng tất cả ra đi.
Nhưng tôi vẫn cứ ám ảnh mãi là giá như, sự trở về ấy không phải đột ngột, không còn cơ cực hơn đối với dân nghèo khi sự kết nối, hỗ trợ, xử lý linh hoạt của cấp chính quyền nơi có con em của mình đang “mắc kẹt” giữa vùng dịch về quê được bài bản, chủ động ngay từ đầu.
Và, hy vọng, bước qua dịch COVID-19, từ hình ảnh những cuộc tản cư hiện nay, mỗi tỉnh, thành sẽ đưa ra được lời giải cho bài toán phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực… để giúp họ không khỏi cảnh ly hương hoặc là tìm một hướng khác đỡ khổ cực hơn.
Có thể bạn quan tâm
Cùng vượt khó để thắng đại dịch COVID-19
07:16, 31/07/2021
Chống dịch COVID-19: Cần nghiêm nghặt hơn, quyết liệt hơn!
19:36, 30/07/2021
Chủ tịch nước: Tập trung nguồn lực giảm tối đa tử vong do COVID-19!
15:05, 30/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19
19:54, 29/07/2021
Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19
05:38, 30/07/2021