Đây là câu hỏi mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề nghị tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, chiều 16/3.
>>Doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất sẽ không được làm dự án trong 2 năm
Trước đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) về quan điểm có nên hình sự hoá hành vi gây lũng đoạn thị trường hay không, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, hiện luật pháp chưa chặt chẽ nên bị lợi dụng thì cần bổ sung chế tài. Theo ông, không cần hình sự hoá mà chỉ cần chế tài về kinh tế cũng đủ sức điều chỉnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Xuân về dấu hiệu của "bong bóng" bất động sản và vấn đề trốn thuế trong các giao dịch đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với đấu giá đất, có cả hiện tượng dìm giá và dìm giá cũng nguy hiểm như đẩy giá.
Đẩy giá thì làm biến động thị trường, tạo ra giá ảo và làm cho chỉ số đầu vào kinh tế tăng cao, không hiệu quả. Đẩy giá có thể rút ruột tiền của ngân hàng nếu như tài sản đó là đặt cọc với cái giá không thật như vậy.
Đẩy giá còn liên quan đến việc nếu một nền kinh tế mà đất đai đang là đầu vào của mọi dự án đầu tư thì sẽ không còn hiệu quả. Đây là điều chúng ta không mong muốn, bởi chúng ta cần giá chuẩn để mang lại hiệu quả xã hội trên đất chứ không phải có đất đai để bán, để chi tiêu, để sử dụng.
Liên quan đến vấn đề xác định các điều kiện tham gia, trình tự thủ tục đấu giá đất không phải bình thường như đấu giá một cái đồng hồ, một cái máy hay là một vật dụng có giá trị… mà đất đai thì phải nhìn nhận ở khía cạnh khác, ảnh hưởng của đất đai đến kinh tế - xã hội rất khác nên cần xem xét để quy trình thủ tục đấu giá chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, phải bảo vệ những người tham gia đấu giá, vì hiện nay có chuyện gây sức ép, đe dọa và các nơi đấu giá hết sức lộn xộn mất trật tự, có cả chuyện vướng mắc giữa người tham gia với người quản lý đấu giá.
“Về đề xuất thêm chế tài mạnh mẽ hơn cả hình sự lẫn chế tài về kinh tế, tôi cho rằng chế tài về kinh tế quan trọng hơn. Phải làm thế nào để thấy rằng nếu có động tác này, động tác kia thì sẽ không còn hiệu quả kinh tế. Làm sao để khi người ta dám nâng giá lên 10 lần thì phải minh bạch nguồn tiền đấy ở đâu ra, nguồn gốc như thế nào?”, ông Trần Hồng Hà nói.
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian thẩm định hồ sơ đất chỉ 15 ngày thì không ổn, khâu này cần phải đi trước một bước so với đấu giá. Khâu thẩm định cũng phải làm rất căn cơ, tức là thông qua ngân hàng, thông qua các hồ sơ đất đai, thông qua lý lịch của các nhà đấu giá.
Về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, đây là hiện tượng rõ ràng có thật. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế.
Vậy nên ở đây, nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá. Đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất và đất không sử dụng để càng lâu, không đầu tư nhưng vẫn lên giá như vậy là về chính sách chúng ta phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi và chúng ta phải xác định được lộ trình dự án này để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế.
Đồng thời phải phân biệt các phân khúc về thị trường, phải lấy nhu cầu của bất động sản nhà ở làm cơ sở để quyết định đầu tư phát triển đô thị và bất động sản chứ không phải mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. Tức là phải đảm bảo tính toán cân bằng cung - cầu của thị trường về bất động sản.
>>"Góc khuất" đấu giá đất (KỲ III): Điệp khúc bỏ cọc, thổi giá tài sản
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ hơn như trường hợp cụ thể giá đất ở Thủ Thiêm qua kiểm tra, giám sát, điều tra cho thấy điều gì?
“Như Bộ trưởng nói có chuyện thổi giá để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu, đánh võng giá trị tài sản để lợi dụng vay ngắn hạn, làm sạch bảng tài chính.... Trường hợp cụ thể Thủ Thiêm có hay không? Hiện nay thị trường sốt đất là có thật, vậy có phải sốt ảo không? Chính sách định giá phù hợp chưa, vì sao giá tăng cao gấp nhiều lần như vậy?”, ông Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi.
Về vấn đề có hình sự hoá hành vi gây lũng đoạn thị trường hay không, vị đại biểu này nói: “Nếu có dấu hiệu lũng đoạn, âm mưu lừa dối, lừa đảo, âm mưu phá hoại nền kinh tế của đất nước thì sao không xử lý hình sự. Xử lý nghiêm thì mới chấm dứt được tình trạng hiện nay”.
Giải trình thêm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan có trách nhiệm đang được giao làm rõ trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm và “sẽ có thời điểm đủ điều kiện kết luận” thời gian tới.
Đồng quan điểm với ông Tạ Văn Hạ, trong phần tranh luận của mình, bà Nguyễn Thị Xuân bày tỏ băn khoăn về phần trả lời của Bộ trưởng. Theo nữ đại biểu, có ý kiến chuyên gia tính toán cho rằng số tiền mà nhà đấu giá bỏ cọc gần 600 tỷ ở Thủ Thiêm không là gì so với lợi ích thu được khi giá đất khu vực xung quanh được đẩy lên cao, gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như nền kinh tế, do đó cần xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự.
Đồng quan điểm cần xử lý nghiêm, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lại rằng trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì cơ quan có trách nhiệm đang làm rõ và cần chờ kết luận rõ ràng.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Quá trình đấu giá rồi bỏ cọc vừa rồi mà thấy sai phạm dân sự thì xử dân sự, sai phạm về hành chính thì xử lý hành chính, còn có sai phạm về hình sự thì xử lý hình sự”.
Có thể bạn quan tâm
23:36, 15/03/2022
05:00, 14/03/2022
13:27, 13/03/2022
03:50, 09/03/2022