Với sự tham gia của Quỹ đầu tư “khủng” đến từ một trong bốn tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, SK Group, chuỗi nhà thuốc Pharmacity liệu có như “hổ mọc thêm cánh”?
>>>Pharmacity đấu với các gã khổng lồ ngoài ngành
Pharmacity được “tiếp đạn”
Động thái đầu tiên là việc "thay tướng". Ông Nguyễn Như Nam, người quản lý đầu tư của SK Group tại Việt Nam sẽ là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity, thay thế nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Christopher Randy Stroud (Chris Blank).
Thực tế thì cuối năm ngoái, truyền thông Hàn Quốc đã từng đưa tin, SK Group đang trong bước đàm phán cuối cùng để rót 100 triệu USD vào Pharmacity. Các bên khi đó chưa xác nhận thêm gì về thương vụ. Nhưng, theo báo cáo sở hữu cập nhật tính đến cuối tháng 7/2022 cho thấy, SK Group đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells - công ty mẹ sở hữu Pharmacity.
Được thành lập từ năm 2011, Pharmacity hiện đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm có mạng lưới cửa hàng lớn nhất Việt Nam với gần 1.100 nhà thuốc tính đến giữa tháng 8 năm 2022.
Tuy nhiên, trong vòng bốn năm qua, thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia của những “gã khổng lồ” ngoài ngành. Năm 2017 là sự gia nhập của ông lớn TGDĐ với việc mua lại nhà thuốc Phúc An Khang, sau đó không lâu là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT cũng nhảy vào cuộc chơi với việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Kể từ đó, Pharmacity đã phải chống cự bằng cách liên tục mở rộng quy mô kèm theo đó là việc sẵn sàng “đốt tiền” nhằm đạt mục đích chiếm ưu thế về số lượng cửa hàng với các đối thủ cạnh tranh. Tổng giám đốc trước đây của Pharmacity, Chris Blank từng cho biết, công ty đặt mục tiêu mở 5.000 cửa hàng trên cả nước trong vòng 3 năm tới, để một nửa dân số Việt Nam có thể tiếp cận các nhà thuốc của chuỗi này trong 10 phút lái xe.
Chính chiến lược này đã khiến Pharmacity báo cáo khoản lỗ lên tới hơn 363 tỷ đồng trong năm 2021, kéo theo lỗ lũy kế lên 1.374 tỷ đồng. Nhưng, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư và công ty mẹ, Pharmacity dường như đang có rất nhiều tư bản để có thể áp đảo các tay chơi ngoài ngành bằng việc liên tục gia tăng số lượng cửa hàng.
Thực tế thì cách đây ba năm, Pharmacity đã được Mekong Capital rót một số tiền không được tiết lộ. Sau đó một năm, chuỗi này huy động khoảng 730 tỷ đồng trong vòng Series C và tiếp đến công ty mẹ phát hành trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, giờ đây họ có thêm sự hậu thuẫn từ SK Group, một trong bốn nhà tài phiệt hàng đầu Hàn Quốc, Pharmacity có vẻ sẽ như “hổ thêm cánh”.
>>>“Vị đắng” ở Pharmacity
>>>Tham vọng mở chuỗi đẩy Pharmacity vào “thế khó”
Nóng cuộc chiến thị phần
Theo báo cáo của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates, thị trường dược phẩm Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất khu vực Đông Nam Á nhờ mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng và dân số già (tuổi thọ trung bình xấp xỉ 76 tuổi).
Trong khi theo hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16% (giai đoạn 2012 - 2021). Thị trường dược phẩm Việt Nam đã và đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Trong đó, mô hình chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại, đạt chuẩn ngày càng tăng và được người dùng ở các đô thị lớn ưa chuộng.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của SSI Research nhận định, kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm trong năm 2022 sẽ được thúc đẩy nhờ doanh thu tốt tại kênh nhà thuốc và hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện phục hồi mạnh mẽ. Công ty chuyên nghiên cứu thị trường chứng khoán này cũng cho rằng, dược phẩm là một ngành phòng thủ với nhu cầu ổn định qua các thời kỳ, do đó lợi nhuận chắc chắn hơn so với các ngành khác ngay cả trong trường hợp nền kinh tế suy thoái.
Hiện tại, thị trường dược phẩm Việt Nam đang được ví là một “miếng bánh” khá béo bở, một thị trường màu mỡ nhưng rất phân mảnh, cơ hội được chia đều cho tất cả các người chơi. Nhưng, cũng từ đó, đã kéo theo một cuộc chiến thị phần khốc liệt mà ở đó, nhiều doanh nghiệp lớn tham gia với tham vọng chiếm lĩnh thị phần bằng cách mở rộng các hệ thống cửa hàng, cải tiến chất lượng dịch vụ và tạo dựng hình ảnh thương hiệu khác biệt.
Các tập đoàn lớn như Thế giới di động và FPT Retail đã mạo hiểm vượt ra ngoài lĩnh vực kinh doanh truyền thống để gia nhập thị trường bán lẻ dược phẩm, cạnh tranh cùng các cửa hàng truyền thống và với chính Pharmacity. Trong tương lai, những chuỗi bán lẻ dược phẩm hàng đầu trên thế giới như Mercury (Philippines), Walgreens Boots Alliance (Mỹ) hay là Lloyds Pharmacy (Anh),… cũng được cho là sẽ gia nhập cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam.
Trở lại với Pharmacity, tính đến giữa tháng 8 năm 2022, quy mô của chuỗi đã đạt gần 1.100 cửa hàng. Công ty cho biết sẽ đầu tư khoảng 300 triệu USD để tiếp tục chiến lược mở rộng quy mô, đạt mục tiêu 50% người Việt Nam có thể tiếp cận hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe của họ chỉ trong vòng 10 phút lái xe.
Liệu với sự hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn bao gồm Mekong Capital, TR Capital và giờ đây là SK Group, “con hổ” Pharmacity sẽ được chắp thêm cánh?
Có thể bạn quan tâm
Pharmacity đấu với các gã khổng lồ ngoài ngành
04:20, 14/05/2022
MRB gọi vốn trái phiếu nghìn tỷ cho "máy ngốn tiền" Pharmacity?
05:00, 28/08/2021
“Vị đắng” ở Pharmacity
11:30, 12/10/2020
Tham vọng mở chuỗi đẩy Pharmacity vào “thế khó”
04:11, 02/10/2020
Pharmacity đón vốn quỹ và cuộc đua vào chuỗi bán lẻ dược phẩm
00:02, 03/02/2020
Phân phối thuốc điều trị COVID, chuỗi nhà thuốc Long Châu giúp FPT Retail "hốt bạc"
03:40, 28/02/2022
FPT Retail “thăng hạng”
16:45, 25/06/2022