Điều kiện "cư trú" để làm giảm tăng dân số cơ học của Thủ đô là ưu điểm vượt trội của Luật Thủ đô 2012, nhưng đã bị "vô hiệu" sau khi có Luật Cư trú được ban hành.
>>Cần cơ chế riêng tạo cơ hội bứt phá cho Thủ đô
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chiều 28/5.
Về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4, đại biểu Nguyễn Phi Thường có quan điểm khác với đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng dự thảo bổ sung thêm khoản 2 Điều 4: Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó.
Trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng trong thực tiễn thời gian vừa qua, khi triển khai cụ thể hoá các cơ chế, chính sách được định hướng quy định trong Luật Thủ đô 2012 đã làm mất đi tính đặc thù vượt trội cần thiết và không thể triển khai được.
Vấn đề này cũng đang là khó khăn vướng mắc đối với TP. HCM khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.
Nguyên nhân, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường là do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể khi triển khai áp dụng. Có rất nhiều ví dụ liên quan đến Luật Thủ đô 2012, điển hình khi Luật Thủ đô 2012 được thông qua, Bí thư Thành uỷ lúc đó là ông Phạm Quang Nghị, trưởng đoàn ĐBQH Khoá XIII đã rất cương quyết, kiên trì bảo vệ điều khoản liên quan đến điều kiện cư trú để làm giảm tăng dân số cơ học của Thủ đô.
"Đây là ưu điểm vượt trội của Luật Thủ đô 2012. Tuy nhiên, sau này Luật Cư trú và các nghị định hướng dẫn đã gần như “xoá sổ” điều này ở trong Luật Thủ đô. Chính từ điều khoản bị “vô hiệu” này, mỗi năm Thủ đô tăng thêm dân số cơ học khoảng 200.000 người, tạo sức ép vô cùng to lớn lên kết cấu hạ tầng”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, có những nội dung còn vướng mắc trong thực tế. Thứ nhất, về việc thực hiện hợp đồng xây dựng, chuyển giao (BT). Nội dung quy định tại Điều 40 của dự thảo hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư đã được quy định tại khoản 5 Điều 40 của dự thảo.
Tuy nhiên, với hai quy định là quỹ đất dùng để thanh toán phải là vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT, chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động công trình khi dự án đầu tư hoàn thành.
>>Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế
>>Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa
Thứ hai, nhà đầu tư chỉ được cấp phép triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất khi dự án đã hoàn thành và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Điều khoản này gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, nếu không muốn nói là “đánh đố” nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Phi Thường bày tỏ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị xem xét, nghiên cứu, cập nhật, chỉnh lý nội dung này theo hướng. Một là, ưu tiên sử dụng quỹ đất thuộc vùng phụ cần liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động công trình khi dự án đầu tư hoàn thành để thanh toán cho nhà đầu tư.
Hai là, nhà đầu tư chỉ được cấp phép triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất khi dự án đầu tư theo hợp đồng BT đã được khởi công và đầu tư hoàn thành tối thiểu 50% giá trị hợp đồng.
“Trong mọi trường hợp, dự án đối ứng chỉ được khai thác sử dụng bao gồm cả kinh doanh khai thác khi dự án đầu tư theo hợp đồng BT đã hoàn thành và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Nêu ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao dự thảo Luật Thủ đô đã thể hiện rất đúng tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư và tạo các nguồn lực cho Thủ đô phát triển xứng tầm.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng vẫn còn một vài điểm cần chỉnh sửa trước khi thông qua. Thứ nhất, về giải thích từ ngữ khi đưa ra các khái niệm thì phải đưa ra các thuộc tính để làm căn cứ pháp lý cho việc xác định đối tượng quản lý.
Chúng ta không nên dùng quyết định quản lý để làm khái niệm cho luật, như vậy sẽ luật hoá quyền quản lý. Trong khoản 1, Điều 3 khi định nghĩa về đô thị trung tâm thì không đưa thuộc tính mà lại nói luôn đô thị trung tâm là cái gì.
“Điểm này cần bổ sung thêm thuộc tính: “Đô thị trung tâm là khu vực đô thị đảm nhận các chức năng chính của thủ đô”. Sau đó mới nói đến bao gồm khu vực nào”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 28/04/2024
04:00, 26/04/2024
03:40, 17/04/2024