Theo SSI, những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và có kết quả kinh doanh tích cực sẽ vẫn tiếp tục tăng điểm trong tháng 10.
Tính từ đầu năm đến nay, VN- Index và VN30 đã giảm lần lượt 4,3% và 0,9%, trong khi VNMidcap và VNSmallcap tăng tương ứng 9,8% và 10,5%.
Đáng chú ý, các yếu tố tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) trong tháng 8 tiếp tục duy trì trong tháng 9, giúp thị trường cân bằng được trước áp lực chốt lời. Trong đó có thể kể tới môi trường lãi suất thấp; Việt Nam cơ bản kiểm soát được làn sóng dịch lần 2; EVFTA hiệu lực từ ngày 01/8 cũng là cột mốc rất quan trọng giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong quý 3…
Trong tháng 9, phần lớn các nhóm ngành đều tăng điểm. Dẫn đầu là nhóm cổ phiếu vật liệu tăng 8,4%, nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu tăng 8,2%, nhóm cổ phiếu tài chính tăng 6,1% và nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu tăng 5,6%. Nhóm cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN- Index trong tháng bao gồm VNM, BCM, HPG, VIC, BHN, MWG, STB, TCB, GVR, MBB…
Giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày trên cả 3 sàn ghi nhận 8.000 tỷ đồng trong tháng 9, tăng 23,1% so với tháng 8 và tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 6.081 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, khối ngoại vẫn bán ra với những phiên bán ròng liên tiếp trong thời gian qua. Tuy nhiên tính chung, khối này đã mua ròng trở lại trong tháng 9 với giá trị 1.174 tỷ đồng sau 2 tháng bán ròng liên tiếp trước đó nhờ giao dịch mua thỏa thuận đột biến ở cổ phiếu VHM vào ngày 09/10 vừa qua.
Bán ròng của khối ngoại vẫn tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, VNM, BID, GAS… trong khi mua ròng tập trung ở VHM, PLX, CTG, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VRE, SSI...
Theo SSI, diễn biến khó lường từ đại dịch COVID-19 vào mùa đông sắp tới và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tạo các rủi ro biến động tiềm ẩn cho TTCK thế giới và cả Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu và đầu tư công- hai động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực trong quý 3/2020. GDP Việt Nam tăng 2,62% trong quý 3, cao hơn mức tăng trưởng 0,36% trong quý 2/2020. Điều này giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm chung của nền kinh tế toàn cầu. Điều này cộng với môi trường lãi suất thấp được duy trì cũng sẽ một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho TTCK trong thời gian tới.
Về mặt kỹ thuật, VN- Index đã tăng hơn 130 điểm kể từ vùng đáy 780 điểm được xác lập vào ngày 27/7 vừa qua. Trong khi, giá trị giao dịch khớp lệnh trong tháng 9 cũng đạt hơn 137 ngàn tỷ đồng- mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Diễn biến này cho thấy áp lực chốt lời đang gia tăng khi VN-Index tiến về vùng điểm số cao.
TTCK Việt Nam có thể sẽ có những phiên điều chỉnh lùi về vùng hỗ trợ 880 điểm trước khi đi lên trở lại từ mức này với mục tiêu mới hướng về mốc 920- 960 điểm.
Theo SSI, tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, tín hiệu xuất khẩu tích cực trong quý 3/2020 và hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là ba yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu trong tháng 10. Do đó, các nhà đầu tư nên tích lũy các cổ phiếu tốt ở các nhịp điều chỉnh. Theo đó, PLC, C4G, DPG là các cổ phiếu có thể sẽ tăng điểm tích cực do các doanh nghiệp này được hưởng lợi từ đầu tư công; trong khi đó giá các cổ phiếu FPT, VNM sẽ có sức bật nhờ kết quả kinh doanh quý 3/2020 và HPG sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư vì được hưởng lợi từ cả 2 yếu tố trên. Với triển vọng tích cực từ xuất khẩu, thì VHC và PTB đang cho tín hiệu rõ nét nhất.
Có thể bạn quan tâm
Yếu tố nào tác động mạnh đến chứng khoán tháng 10?
11:50, 04/10/2020
Lối nào cho chứng khoán tháng 10?
11:00, 04/10/2020
Dòng tiền đầu tư cuối năm đổ vào chứng khoán hay bất động sản?
11:30, 28/09/2020
Tháng 10, thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều áp lực
11:00, 28/09/2020
“Thay máu” nhà đầu tư chứng khoán
11:30, 20/09/2020