Theo Công ty Chứng khoán TPS, tiến độ dự án Lô B - Ô Môn đang được ráo riết triển khai và một số cổ phiếu nhóm dầu khí sẽ hưởng lợi trực tiếp...
Dầu khí được phân theo nhóm doanh nghiệp thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn tùy theo hoạt động cốt lõi. Các cổ phiếu dầu khí cũng được phân từng nhóm theo đặc thù doanh nghiệp.
Theo đó, nhóm cổ phiếu dầu khí thượng nguồn điển hình là PVD, PVS. Phân khúc này bao gồm các nhà thầu dầu khí và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thăm dò cho các nhà thầu dầu khí. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thượng nguồn đến từ các đơn hàng dịch vụ khai thác khi giá dầu tăng và có độ trễ so với giá dầu thô trong ngắn hạn.
Theo TPS, cổ phiếu PVD có triển vọng tươi sáng nhờ (cung cầu giàn khoan toàn cầu thuận lợi giúp hỗ trợ giá cước cho thuê, giàn khoan mới kỳ vọng đi vào hoạt động và thị trường nội địa dự báo sôi động từ 2024 trở đi, giúp mảng dịch vụ kỹ thuật giếng tăng trưởng mạnh.
PVS là cổ phiếu hưởng lợi từ tăng trưởng mảng M&C nhờ các dự án lớn trong giai đoạn 2024-2028, với tiềm năng trúng các gói thầu cho các dự án nội địa sắp tới và tiềm năng ghi nhận thêm backlog và cải thiện biên lợi nhuân cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Hiện PVD và PVS vẫn là những cổ phiếu có thị giá chưa phản ánh hết tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Các chỉ số định giá của 2 doanh nghiệp sẽ được đánh giá lại do ngành dầu khí thế giới và Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau giai đoạn 10 năm trầm lắng.
Nhóm trung nguồn gồm các cổ phiếu GAS, PVT. Phân khúc này bao gồm các doanh nghiệp vận chuyển dầu, khí từ mỏ vào đất liền và vận chuyển trên biển. Trong đó, GAS là công ty độc quyền cung cấp khí cho các nhà máy điện, ure và khu công nghiêp. PVT tập trung mảng vận tải biển với đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, có thị phần 100% mảng vận chuyển dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, cổ phiếu GAS có đến hơn 43.900 tỷ đồng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) vào ngày 30/6, tăng hơn 3.000 tỷ so với thời điểm đầu năm. Đây là lượng tiền mặt lớn nhất GAS từng nắm giữ tại ngày cuối quý kể từ khi hoạt động.
Nhờ nắm giữ một lượng tiền gửi lớn, GAS hàng trăm tỷ lãi tiền gửi mỗi quý. Trong quý II/2024, doanh thu tài chính của doanh nghiệp này đạt gần 445 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi tiền gửi. Về kết quả kinh doanh quý, GAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.052 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.416 tỷ đồng, tăng gần 7% so với quý 2/2023. Trong đó, lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.321 tỷ đồng, cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, GAS ghi nhận doanh thu thuần đạt 53.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.960 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, GAS đã thực hiên 75% kế hoạch doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
GAS mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền cho năm 2023. Theo đó, Tổng công ty sẽ trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 60%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 6.000 đồng. Đây là tỷ lệ cổ tức cao kỷ lục của GAS.
Còn PVT tập trung mảng vận tải biển với đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, có thị phần 100% mảng vận chuyển dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong bối cảnh nhu cầu tăng trong khi nguồn cung dầu thắt chặt từ OPEC, giá khí vốn được neo theo giá dầu dự kiến sẽ tăng.
Về kết quả kinh doanh của nhóm hạ nguồn gồm BSR, PLX, nhìn chung chưa cải thiện trong năm 2024. BSR bị tác động tiêu cực bởi kỳ bảo dưỡng lớn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khiến sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 12% và biên lọc dầu các sản phẩm chủ lực suy giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất có thể nâng công suất tối đa lên mức 114% sau kỳ bảo dưỡng và mức nền kết quả kinh doanh thấp trong năm 2024 hứa hẹn có thể tạo ra tăng trưởng lớn cho BSR từ năm 2025.
Đánh giá về triển vọng nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, các chuyên gia dự báo, nhu cầu khí thiên nhiên sẽ tăng mạnh trong giai đoạn chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhu cầu khí cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp, dự báo tăng trưởng. Nhu cầu xăng dầu dự báo duy trì tăng trưởng trong dài hạn trung bình 5%/năm trong giai đoạn đến 2030. Với xu thế của chuyển dịch năng lượng, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ hướng tới các nguồn năng lượng xanh sạch, ít phát thải ra môi trường nên sẽ hạn chế năng lượng hóa thạch như than đá, xăng dầu.
Bên cạnh đó, Dự án Lô B- Ô Môn là một chuỗi sản xuất điện-khí lớn, dự kiến cung cấp 5,06 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm trong thời gian 23 năm (dự kiến khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026) và cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện khí (Ô Môn 1, 2, 3, 4) với tổng công suất 3,8 GW. Dự án bao gồm phần thượng nguồn (khai thác và xử lý khí Lô B), phần trung nguồn (đường ống dẫn khí vận chuyển khí) và phần hạ nguồn (4 nhà máy điện). Hiện các dự án đã bắt tay vào triển khai. 3 nhóm cổ phiếu với các mã điển hình như trên sẽ trực tiếp được hưởng lợi khi dự án chính thức vận hành.