Thay vì siết chặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang yêu cầu các TCTD bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Dường như quan điểm về tín dụng tiêu dùng của cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ đã có sự thay đổi. Còn nhớ tại Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN ngày 2/8/2018 của NHNN về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản và NHNN sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ...
Tuy nhiên tại Chỉ thị 01/2019/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019, Thống đốc NHNN lại yêu cầu các TCTD phải nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân.
Giới chuyên gia cho rằng, việc “cởi trói” cho tín dụng tiêu dùng là hoàn toàn hợp lý. Sở dĩ như vậy là bởi tín dụng tiêu dùng có vai trò rất quan trọng đối với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
11:09, 03/06/2018
05:45, 11/02/2018
06:10, 15/01/2018
06:10, 03/01/2018
06:10, 05/12/2017
Với người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp, tín dụng tiêu dùng sẽ giúp họ có khả năng mua sắm những hàng hoá cần thiết có giá trị cao, thoả mãn nhu cầu tiêu dùng và cải thiện đời sống. Lẽ đương nhiên, khi đã chấp nhận vay tiêu dùng, người dân sẽ phải xử lý hài hòa giữa khả năng thanh toán hiện tại và tương lai. Có nghĩa là người tiêu dùng sẽ tìm cách hưởng thụ trước số tiền sẽ có trong tương lai. Điều đó sẽ góp phần kích thích chi tiêu tiêu dùng của người dân, đồng thời giúp người dân có ý thức tiết kiệm cũng như quản lý tài chính tốt hơn.
Với các hộ kinh doanh cá thể cũng vậy, do không phải là pháp nhân để có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thì nhờ có kênh cho vay tiêu dùng, họ vẫn có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh doanh.
Đối với sản xuất kinh doanh, việc phát triển cho vay tiêu dùng đồng nghĩa với việc tăng sức mua của người dân, từ đó tạo nên sự sôi động cho thị trường hàng hoá tiêu dùng, tạo nguồn sống cho khu vực sản xuất trong nước, qua đó tăng năng lực sản xuất của quốc gia, đồng thời tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài…
Ngoài ra, việc phát triển tín dụng tiêu dùng qua kênh chính thống cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển tài chính toàn diện, góp phần tích cực hạn chế tín dụng đen.
Trên thực tế, tín dụng đen hoành hành thời gian qua một phần cũng bởi quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn rất nhỏ bé. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay tiêu dùng của cả nước mới đạt khoảng 26,5 tỷ USD, chiếm khoảng 17% trong tổng dư nợ tín dụng. Đó là một con số quá nhỏ bé nếu so với tỷ trọng cho vay tiêu dùng ở các nước phát triển thường chiếm khoảng từ 40- 50% trên tổng dư nợ, còn tại khu vực ASEAN 5 cũng đạt tới 35%.
Trong khi đó, nhu cầu tín dụng tiêu dùng là rất lớn với quy mô dân số lên tới gần 100 triệu dân, mức sống của người dân cũng ngày một tăng cao cùng với đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Bởi vậy, việc "cởi trói” của cơ quan quản lý đối với tín dụng tiêu dùng chắc chắn sẽ thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng bùng nổ trong thời gian tới.
Mặc dù điều kiện “cần” đã có, song cái khó là điều kiện “đủ”. Đó là ý thức của người dân về tín dụng tiêu dùng hiện vẫn chưa cao khi nhiều người vẫn đánh đồng tín dụng tiêu dùng với tín dụng đen. Trong khi hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng lẫn các công ty tài chính đang được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật của Nhà nước và chịu sự giám sát rất chặt chẽ của NHNN.
Cái khó thứ hai chính là lãi suất cho vay tiêu dùng đang ở mức rất cao, lên tới 11% - 12% đối với các ngân hàng và 25% - 30% đối với các công ty tài chính. Mặc dù các TCTD lý giải, do các khoản vay tiêu dùng có mức độ rủi ro khá lớn nên lãi suất cho vay cũng buộc phải cao để bù đắp rủi ro. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay quá cao cũng sẽ hạn chế nhu cầu. Bởi vậy, các công ty tài chính và cả các nhà băng cần tiết giảm tối đa chi phí và tính toán đưa lãi suất cho vay tiêu dùng xuống thấp hơn để phù hợp với thu nhập của đại bộ phận dân cư hiện nay.