Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhưng chỉ khoảng 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia.
>>>Hỗ trợ doanh nghiệp Việt bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), có khoảng 100 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho tập đoàn Samsung và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho công ty Toyota.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: Tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện đáng kể. Trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50 %; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%. Tỷ lệ này cao hơn ở một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách.
Các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu, gia tăng giá trị còn rộng mở, số lượng doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng cấp một, cấp hai và cấp ba còn hạn chế. Thực tế này cho thấy mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ.
Từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam thừa nhận, các tập đoàn toàn cầu có mong muốn tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước. Song, đi kèm với cơ hội là thách thức từ những yêu cầu kỹ thuật cao, thậm chí khắt khe.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, doanh nghiệp công nghiệp trong nước phải đảm bảo đủ năng lực về công nghệ, nhân lực và quản trị sản xuất. Ngoài ra, áp lực còn đến từ yêu cầu phải đảm bảo tiến độ và chất lượng giao hàng khắt khe. Hàng ngày phải chịu sự đánh giá và kiểm soát của các công ty đầu chuỗi với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất tính theo ngày chứ không phải theo tháng.
Ngoài những yêu cầu trên, thời gian gần đây, khách hàng còn có thêm yêu cầu xanh trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu sản xuất (nguyên liệu tái chế) khiến cho doanh nghiệp Việt không ngừng tìm cách nâng cao năng lực. Trong khi, doanh nghiệp công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết: doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng và chịu sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước khác.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, một số doanh nghiệp có khả năng sản xuất được những linh kiện nhỏ đơn chiếc cho các tập đoàn lớn, chẳng hạn như tập đoàn Boeing. Song thực tế, tập đoàn này đã có chuỗi cung ứng hoàn thiện, các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng của tập đoàn khi sản xuất các sản phẩm gia công hoàn toàn bằng máy móc.
Do đó, để tham gia chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp có thể đi theo con đường khác, lựa chọn thực hiện các sản phẩm có sự gia công kết hợp máy móc và bàn tay của con người vốn là thế mạnh của doanh nghiệp Việt.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải xác định, tham gia chuỗi cung ứng của tập đoàn toàn cầu cũng có nghĩa là doanh nghiệp chấp nhận đi con đường dài và trưởng thành dần trên hành trình đó. Vì vậy, doanh nghiệp cần có lộ trình, chiến lược dài hơn, có thể xem xét bắt đầu bằng những thế mạnh của mình, tham gia từ các nhà cung cấp cấp 3, 4 trước cho các nhà cung cấp cấp 1, 2 rồi phát triển dần lên.
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó trong biến động chuỗi cung ứng toàn cầu
03:00, 04/10/2023
5 khuyến nghị với nhà sản xuất khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
04:59, 16/09/2023
Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu?
03:30, 27/07/2023
Chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn “mong manh”
02:30, 28/01/2023
Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu
03:00, 04/12/2022
Kết nối doanh nghiệp Việt với chuỗi cung ứng toàn cầu
00:03, 26/09/2022
Bình Dương đón đầu chuỗi cung ứng toàn cầu
14:46, 24/09/2022
Cơ hội nào cho doanh nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
00:05, 03/09/2022
Nâng tầm thương hiệu xanh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ DAT Solar ESCO
09:00, 04/07/2022
Việt Nam - Hoa Kỳ định hình chuỗi cung ứng toàn cầu mới có sức chống chịu tốt hơn
10:10, 08/03/2022