Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt đang tập trung vào các thị trường lớn. Nhưng chuyên gia cho rằng nên chú trọng hơn thị trường ASEAN vì còn rất nhiều dư địa.
>> Người Việt lạc quan về tình hình tài chính đứng đầu ASEAN
Tại hội thảo “Thị trường ASEAN: Từ sáng kiến đến hành động” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/12/2023, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, cho biết Việt Nam đang rất tích cực tham gia hội nhập kinh tế ở cả cấp khu vực và toàn cầu. Tính đến tháng 11 năm 2023, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam cũng tham gia và phê chuẩn nhiều hiệp định quan trọng như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN.
Ông phát biểu: “Hội nhập kinh tế nói chung và hợp tác ASEAN nói riêng mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cũng như là cơ hội học hỏi, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Những hiệp định như vậy mang lại tiềm năng rất lớn cho thương mại nội khu ASEAN. Tuy vậy, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng mức. Bà Sita Zimpel, Giám đốc Dự án ASEAN SME, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ, nói: “Việt Nam và rất nhiều nước trong khối ASEAN khác vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng của thương mại nội khối. Thị phần thương mại nội khối mặc dùng vẫn tăng trưởng đều đặn nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn. Đáng chú ý là trong đó, phần lớn các công ty xuất khẩu trong khối đều là các công ty nước ngoài đặt tại khu vực, chứ không phải là các công ty nội địa”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Thương mại quốc tế, cho biết, hiện nay trong nội bộ ASEAN có rất nhiều các hiệp định và thỏa thuận tác động tới 4 nhóm vấn đề. Đó là Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, và Di chuyển thể nhân (Doanh nhân, người lao động). Thêm vào đó, các hội đồng, ủy ban ASEAN vẫn tiếp tục làm việc, đàm phán để có thể có thêm những thỏa thuận, cam kết mới để tăng cường hội nhập trong khuôn khổ ASEAN.
Ngoài ra, ASEAN còn có các hiệp định thương mại tự do ký kết giữa ASEAN và các nước khác trên thế giới, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Úc, New Zealand, v.v.. Điều này cho thấy những rào cản cho việc thông thương trong khối ASEAN đã được tháo bỏ rất nhiều.
Với những hiệp định này, ở trong khối, thương mại sẽ được ưu tiên hơn, ít rào cản hơn và minh bạch, dễ dự đoán hơn. Điều này mang lại cơ hội rất đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi thuế quan này chưa đúng mức. Tỷ lệ tận dụng hiệp định Tự do thương mại ASEAN (ATIGA, biểu mẫu D) từ năm 2020 đến 2023 vẫn chỉ dao động quanh con số 39%. Tỷ lệ tận dụng tất cả FTA nói chung dao động quanh con số 33%.
Bà Trang chỉ ra một trong những khó khăn trong việc sử dụng các hiệp định này nằm ở vấn đề xuất xứ hàng hóa. Các hiệp định thương mại tự do đều có điều kiện về xuất xứ hàng hóa phải đạt một tiêu chuẩn nhất định. Hiện nay khoảng 70% nguyên liệu sản xuất của Việt Nam là nhập khẩu từ Trung Quốc, nên không đủ điều kiện về xuất xứ để được hưởng ưu đãi thương mại tự do.
Trong khi đó, theo ông Nathanael Lim, chuyên gia nghiên cứu thị trường, Euromonitor quốc tế, thì ASEAN là một thị trường đang lên và có rất nhiều tiềm năng. Dân số ASEAN khoảng 678 triệu, chiếm 8,6% dân số thế giới. Người dân có thu nhập tầm trung. Kinh tế các nước tăng trưởng cao, hội nhập cao.
Thêm vào đó, giá nhân công Trung Quốc bắt đầu tăng cao trong khi ở ASEAN vẫn còn thấp. Các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu sẽ dịch chuyển đầu tư, sản xuất sang khu vực này. Đây sẽ là một thị trường sôi động, mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khối.
>> Vì sao ASEAN cần củng cố quan hệ với Nhật Bản?
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Hồ Chí Minh, cho biết, ASEAN là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ, xuất khẩu đứng thứ tư sau Trung Quốc, Mỹ và EU. ASEAN là thị trường rất quan trọng với Việt Nam và Việt Nam thường xuyên nhập siêu.
Về vấn đề khó khăn về xuất xứ mà bà Trang chỉ ra, ông Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt cũng hiểu, nhưng hiện chưa tìm được nguồn cung nguyên vật liệu thay thế từ trong khối ASEAN nên đây vẫn là một bài toán khó với các doanh nghiệp Việt.
Ông Nam đánh giá ASEAN thực ra là một thị trường khó vì các quốc gia có văn hóa khá khác nhau. Thành thử, các doanh nghiệp phải thay đổi mạnh để “tấn công” được vào thị trường này.
“Thị trường lớn quan trọng, nhưng thị trường ngách cũng rất quan trọng, các doanh nghiệp không nên bỏ phí”, ông Nam nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm