Trên thị trường hiện nay, có gần 90% mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng quy định, không thể bảo vệ được người sử dụng bởi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông…
Tiềm ẩn nhiều hệ lụy…
Đây là con số không “lạ” đã được thông tin tại hội thảo do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức vào sáng 7/10 vừa qua. Theo đó, chất lượng mũ bảo hiểm vẫn bị thả nổi hơn chục năm nay. Những loại mũ “rởm” tràn ngập thị trường chính là tác nhân để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Theo số liệu thống kê một số năm gần đây, số ca tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay vẫn chưa thực sự được kiểm soát và hạn chế.
Đáng buồn hơn khi có tới 50% ca TNGT của nước ta nằm trong độ tuổi từ 20-45, đây là độ tuổi vàng, lực lượng lao động chính trong xã hội; 96% trong số đó là TNGT đường bộ, khiến 94% số người chết và bị thương (trong đó tai nạn xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất 95%). Cũng theo thống kê, trung bình trong 1 ngày ở Việt Nam xảy ra khoảng 70 vụ TNGT đường bộ làm 25 người chết, 67 người bị thương… Và một trong những nguyên nhân dẫn đến các ca trấn thương sọ não nặng, tử vong có liên quan tới chất lượng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Khách quan nhìn nhận, thời gian qua các ban ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn mũ bảo hiểm “rởm”. Minh chứng dễ thấy qua không ít các cuộc kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Những hoạt động này góp phần tích cực “triệt hạ” nguồn cung cấp, bán mũ bảo hiểm “rởm”.
Đã đến lúc “chặn” tận gốc
Theo ông Khuất Việt Hùng – phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ: Có gần 90% mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng trên thị trường hiện nay đã đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.
“Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn, nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm tại Việt Nam", ông Hùng nói.
Vậy, làm sao để loại bỏ tận gốc mũ bảo hiểm “rởm” ra khỏi thị trường? Nhiều ý kiến cho rằng, muốn loại bỏ tận gốc, chặn mũ bảo hiểm "rởm", "nhái", cần thực thi nghiêm nhiệm vụ quản lý thị trường, loại bỏ việc sản xuất và bán chặn mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Xử phạt mạnh tay, triệt để các cơ sở sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tránh việc các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm “lách luật” để sản xuất. Muốn thực hiện được điều này, các lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế phải vào cuộc sát sao.
Cũng cần quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền quận, huyện, phường, xã nếu để tiếp diễn tình trạng bày bán chặn mũ bảo hiểm trên lòng đường, vỉa hè. Chỉ có đồng bộ và vào cuộc quyết liệt như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng, tính nghiêm minh của luật pháp mới được đảm bảo.
Dưới góc nhìn pháp lý, cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho biết, theo Nghị định 87/2016/NĐ-CP, chỉ các tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh, có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng mới được bán mũ bảo hiểm. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
“Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Bên cạnh đó, còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Nếu các hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Luân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định mới về xử lý vi phạm hàng nhái, hàng lậu: tăng chế tài... gấp 5 lần
11:00, 05/09/2020
Hà Nội: Xử phạt hàng loạt cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái
12:33, 21/07/2020
“Bát nháo” thị trường đồng hồ (Bài 3): Nguy cơ ung thư vì hàng nhái
07:50, 31/05/2020
Vì sao hàng giả, hàng nhái thoải mái tung hoành?
06:06, 16/04/2020