Ông Trần Tuấn Anh khẳng định chương trình CSI không chỉ tìm kiếm, biểu dương các doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững mà còn là công cụ giúp ích đắc lực cho doanh nghiệp.
>>CSI- công cụ quản trị doanh nghiệp bền vững
Ngày 13/12/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ chức Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sáng kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam liên tục trong 8 năm qua, đóng góp vào công cuộc “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi” theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta không chỉ tăng nhanh về số lượng mà năng lực cạnh tranh và trách nhiệm xã hội cũng ngày càng được nâng cao. Cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, có đóng góp quan trọng việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2023 là năm quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, đây cũng là một năm có nhiều khó khăn thách thức với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, khi mà bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, khiến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực phấn đấu và đóng góp hết sức tích cực cho sự phát triển kinh tế và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần “đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập”,“bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ mục tiêu đề ra là: "Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước".
Trong đó, các tiêu chí đánh giá sự lớn mạnh về chất lượng của đội ngũ doanh nhân đã được đặc biệt quan tâm: có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường.
Đây chính là các tiêu chí thể hiện sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, được cụ thể hóa trong bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp bền vững – CSI mà VCCI xây dựng.
Theo ông Trần Tuấn Anh, bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ.
Những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, hội nhập, chuỗi cung ứng,… cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp và mỗi quốc gia phải không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững.
“Với CSI 2023, có 500 hồ sơ doanh nghiệp tham gia chương trình và có đến 23% là các doanh nghiệp tham dự lần đầu cho thấy câu chuyện phát triển bền vững đang lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta, tới mọi loại hình doanh nghiệp, trong các lĩnh vực khác nhau” – ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
>>Họp Hội đồng đánh giá Chương trình CSI 2023
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Trong đó, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Kể từ khi Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc thông qua 17 mục tiêu lớn của toàn cầu về phát triển bền vững, tiến trình đạt tới sự phát triển thịnh vượng và hài hòa dưới cả 3 góc độ kinh tế - xã hội - môi trường tại mỗi quốc gia giờ đây đã có đích đến cụ thể và thống nhất.
Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh đó, từ góc độ vai trò, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các ban, bộ, ngành, các địa phương cùng với VCCI và các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tập trung quán triệt và thực hiện tốt một số yêu cầu căn bản.
Một là, thúc đẩy thay đổi tư duy của doanh nghiệp như là một hạt nhân trong viêc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bên cạnh Nhà nước.
Hai là, hướng tới một cộng đồng doanh nghiệp bền vững cần phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, chuyển đổi tư duy kinh doanh sang kinh doanh có trách nhiệm, tạo ra tăng trưởng kinh tế trong sự hài hòa với lợi ích môi trường và xã hội.
Ba là, doanh nghiệp phải trung thực và quan tâm thực sự đến trách nhiệm xã hội và kinh doanh bền vững.
Doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Thúc đẩy chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh.
Doanh nghiệp cần phải tiến hành xây dựng bộ cam kết phát triển bền vững tới từng thành viên trong doanh nghiệp, phải thực hiện và xây dụng bộ quy tắc ứng xử cho các cấp quản lý tới từng nhân viên.
Ở khía cạnh này, ông Trần Tuấn Anh đánh giá Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VCCI chủ trì xây dựng như một công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững sẽ giúp ích đắc lực cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là hơn 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp. Nền tảng quản trị tốt chính là “xương sống” cho bộ máy vận hành của doanh nghiệp.
Bốn là, bối cảnh thế giới với nhiều thách thức, biến động đặt ra yêu cầu cần chủ động thúc đẩy các mô hình kinh tế mới để tạo thêm không gian phát triển.
Năm là, các doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng lực sáng tạo, linh hoạt để không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ, mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Và cuối cùng, các doanh nghiệp phải chú ý tới ý kiến của các bên liên quan để truyền thông hiệu quả, thực hiện việc đánh giá và cải tiến thực hiện phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải biết lắng nghe và thấu hiểu mong muốn cũng những nhận xét đánh giá của xã hội để cải thiện trong quá trình thực hiện phát triển bền vững của mình.
Có thể bạn quan tâm
Sản xuất công nghiệp phát triển bền vững
14:52, 12/12/2023
Liên kết, phát triển bền vững du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
14:27, 10/12/2023
Chương trình CSI 2022 - Vinh danh 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam
22:46, 01/12/2022
Hội đồng Xét duyệt Chương trình CSI 2022 tiến hành phiên họp tổng kết
16:57, 02/11/2022