Công nghiệp hỗ trợ đang trở thành động lực tăng trưởng

Diendandoanhnghiep.vn Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp chia sẻ tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại địa bàn tỉnh Hải Dương do Bộ Công Thương phối hợp với Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 4/2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp chia sẻ tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thành Chung

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Thành Chung

“Nếu coi công nghiệp là quả núi, thì công nghiệp hỗ trợ là chân núi. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào tham gia được chuỗi toàn cầu thì doanh nghiệp đó mạnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm gần đây đã trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng cho nền kinh tế với mức tăng trưởng trên 9%”, Phó Thủ tướng nói.

Công nghiệp hỗ trợ giúp tăng trưởng 9%

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp; quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo; sản phẩm công nghiệp phụ trợ chưa phong phú…

Đối với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. “Chính phủ đang nỗ lực hành động để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội xem xét, ban hành trong thời gian tới. Tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc, bất hợp lý trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 liên quan đến phạm vi công nghiệp hỗ trợ; trong đó làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Xây dựng định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành chính có thế mạnh thay thế sản phẩm nhập khẩu trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí đủ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tham mưu cho Chính phủ thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với định hướng là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn, đơn giản hơn đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng ứng dụng và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ từ nay đến năm 2025, với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian vay, hạn mức vay và tài sản thế chấp.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương xây dựng và ban hành Đề án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đến năm 2025 để cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017. Đồng thời, thực hiện rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định, thủ tục chồng chéo và bố trí quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng để nhanh chóng hấp thu công nghệ mới vào hợp tác, tham gia vào chuỗi giá trị sẵn có của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế tạo linh kiện, nguyên vật liệu...

Cần nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Phó Thủ tướng đề nghị Samsung Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo nhằm tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức triển lãm công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết là tham gia vào các chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.

“Tôi hy vọng rằng sau chương trình này, với sự hỗ trợ của tập đoàn Samsung Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và quan trọng hơn, Hải Dương sẽ trở thành địa bàn hấp dẫn để thu hút, phát triển công nghệ cao, đạt tỉ lệ nội địa hóa cao trong tương lai”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cam kết chung tay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và khẳng định sự bền vững trong quá trình hợp tác giữa Samsung và Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông Choi Joo Ho nêu ví dụ, nếu như năm 2014 Samsung chỉ lựa chọn được 4 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 thì con số này đã tăng lên 42 doanh nghiệp trong năm 2019 và tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020.

Ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tập đoàn An Phát Holdings (APH) – doanh nghiệp được Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương và Samsung Việt Nam lựa chọn làm nòng cốt chính trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh cho biết, chúng tôi đã và sẽ nỗ lực tăng số lượng, hàm lượng chất xám Việt Nam trong các sản phẩm linh kiện để cung cấp cho những chiếc điện thoại, ô tô, xe máy, máy in, máy giặt… vốn đòi hỏi sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng vào nguồn vốn, công nghệ, con người.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Công nghiệp hỗ trợ đang trở thành động lực tăng trưởng tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711654407 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711654407 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10