Khó khăn chung của ngành xây dựng và bất động sản cùng sự cạnh tranh giữa các công ty khiến Coteccons chỉ mới hoàn thành chưa đến 70% mục tiêu.
Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đang trải qua giai đoạn thử thách nhất trong nhiều năm trở lại. Doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đều suy giảm, các dự án vướng mắc trong công tác triển khai và nguồn việc ít khiến cạnh tranh đấu thầu ngày càng gay gắt.
Một năm ảm đạm của "ông trùm" xây dựng
Báo cáo tài chính quý IV/2019 của Coteccons cho thấy doanh nghiệp này tiếp tục trải qua một quý sụt giảm lợi nhuận. Con số lợi nhuận thu về năm vừa qua cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, tính riêng quý IV, Coteccons đạt 7.470 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đà suy giảm doanh thu, việc biên lãi gộp của “đại gia” ngành xây dựng này tiếp tục giảm từ 5,23% xuống 4,51% khiến lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 18%, đạt 337 tỷ đồng.
Trong khi đó, các chi phí vận hành và quản lý doanh nghiệp vẫn tăng trong kỳ khiến lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp giảm gần 30%, đạt 287 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng Coteccons thu được trong quý cuối năm đạt 233 tỷ đồng.
Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của “ông lớn” ngành xây dựng sụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm tích cực trong kết quả kinh doanh quý này là lợi nhuận đã tăng trở lại so với 2 quý trước đó.
Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của “ông lớn” ngành xây dựng sụt giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điểm tích cực trong kết quả kinh doanh quý này là lợi nhuận đã tăng trở lại so với 2 quý trước đó.
Tính trong cả năm 2019, nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam đạt tổng cộng 23.733 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17%.
Số thu sụt giảm cùng biên lãi gộp giảm là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận trước và sau thuế cả năm của Coteccons giảm hơn 50%, đạt lần lượt 891 tỷ và 711 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận ròng trong năm vừa qua cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong vòng 5 năm gần đây và đã là năm thứ 2 liên tiếp sụt giảm. Tại năm 2015, dù doanh thu công ty mới đạt trên 13.600 tỷ nhưng số lãi ròng sau thuế khi đó đã là 733 tỷ đồng.
So với kế hoạch 27.000 tỷ đồng doanh thu và 1.300 tỷ lợi nhuận trước thuế hồi đầu năm, Coteccons mới thực hiện được 88% mục tiêu doanh thu và gần 70% lợi nhuận.
Năm 2019 cũng tiếp tục ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons “chảy” trong tình trạng âm 329 tỷ. Nguyên nhân chủ yếu do công ty ghi nhận tăng các khoản phải trả khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh không đủ bù đắp.
Năm 2018 trước đó, dòng tiền này cũng âm tới 934 tỷ, trong khi những năm trước đó chỉ tiêu này đều đạt mức dương xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.
Đặc biệt, 2018 cũng là năm khởi đầu cho sự xuống dốc trong hoạt động kinh doanh của Coteccons và kéo dài đến nay.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản - nguồn vốn của doanh nghiệp này đạt gần 16.200 tỷ, tương đương đầu năm. Trong đó, nợ phải trả chiếm khoảng 48%, doanh nghiệp không có khoản vay và nợ thuê tài chính nào tại ngân hàng.
Từng được coi là một "tượng đài" trên thị trường chứng khoán Việt với cơ cấu tài chính đẹp, tiền mặt dồi dào, sạch nợ và luôn duy trì mức EPS (lãi trên cổ phiếu) "khủng", cổ phiếu CTD luôn nằm trong nhóm có thị giá cao nhất thị trường.
Tuy nhiên, đà suy giảm kết quả kinh doanh từ năm 2018 đến nay đã khiến thị giá cổ phiếu này lao dốc từ vùng trên 200.000 đồng (cuối 2017) xuống vùng 50.000 đồng, tương đương giảm trên 70%.
Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp lợi nhuận ròng của Coteccons sụt giảm và là mức lợi nhuận thấp nhất doanh nghiệp này thu về được trong nửa thập kỷ qua.
Sau nhiều sóng giảm sâu, cổ phiếu này hiện đang loanh quanh vùng đáy 5 năm với giá 62.700 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm 74% so với đỉnh. Vốn hóa thị trường theo đó “bốc hơi” hơn 15.000 tỷ đồng sau 2 năm, xuống còn 5.164 tỷ đồng.
Hai mâu thuẫn khó giải quyết
Giới phân tích cho rằng, mâu thuẫn nội bộ của Coteccons kéo dài do quản trị doanh nghiệp không được đảm bảo chính là nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu CTD liên tục sụt giảm trong thời gian qua.
Trong cơ cấu cổ đông tính đến cuối năm 2019, nhóm cổ đông ngoại liên quan đến Kusto Group gồm Kinh doanh và Đầu tư Thành Công, Kustocem và thành viên HĐQT Talgat Turumbayev chiếm tới gần 35% quyền biểu quyết tại Coteccons và có tiếng nói quan trọng trong các quyết định của doanh nghiệp này.
Mâu thuẫn giữa lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông ngoại liên quan đến Kusto Group đã âm ỉ từ năm 2017 và lên tới đỉnh điểm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 khi nhóm này phản đối kế hoạch Coteccons nhận sáp nhập Ricons, doanh nghiệp Coteccons sở hữu 15% vốn.
Có thể bạn quan tâm
00:20, 22/01/2020
00:03, 22/10/2019
11:30, 14/10/2019
02:01, 12/10/2019
19:16, 08/10/2019
Theo đại diện của Kustocem, thương vụ M&A với Ricons không cho thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng, không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Nhóm cổ đông ngoại này cho rằng, ban lãnh đạo Coteccons tập trung vào giá trị cốt lõi của công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này.
“Việc sử dụng cổ phiếu của Công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng”, đại diện của Kustocem nhấn mạnh.
Bất ngờ xảy đến trước thềm đại hội thường niên 2019 của Coteccons, khi Kustocem bác bỏ phương án sáp nhập Ricons vì cho rằng không mang lại lợi ích và muốn Coteccons tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đó là một kỳ đại hội nóng hơn bao giờ hết. Nhiều cổ đông khó hiểu khi Kustocem mâu thuẫn với phát biểu tin tưởng vào tài năng của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương nhưng lại phản đối chính quyết định của ông.
Tỷ lệ sở hữu của nhóm Kustocem (chỉ tính 2 pháp nhân là Kustocem và Đầu tư Thành Công) đã giảm từ mức trên 40% xuống còn xấp xỉ 32% sau đợt phát hành riêng lẻ của Coteccons trong năm 2016.
Căn nguyên sự việc có lẽ bắt nguồn từ mối lo ngại bị pha loãng tỷ lệ sở hữu của Kustocem, khi mà Coteccons cũng đã có đợt tăng vốn lớn trong năm 2016. Một lý do khả dĩ nữa là vì giá cổ phiếu CTD lúc đó không xứng đáng với giá trị, theo lời Kustocem, mà nếu thực hiện sáp nhập bằng phương án hoán đổi cổ phần sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.
Những lo ngại của phía Kustocem không hề thiếu cơ sở. Ban lãnh đạo Coteccons dường như quá sốt sắng giữ đà tăng trưởng khi đối diện với áp lực từ phía cổ đông, cùng với hơi nóng từ những đối thủ trong ngành. Điều này thôi thúc họ lập nên nhiều kế hoạch cùng lúc để thỏa mãn kỳ vọng ngày càng lớn.
Thực tế, gần 1,750 tỷ đồng mà Coteccons thu được sau đợt phát hành riêng lẻ năm 2016 vẫn chưa cho thấy đóng góp rõ nét vào kết quả kinh doanh. Thậm chí, những khoản đầu tư từ nguồn vốn mới đến nay vẫn chưa thành hình.
Tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua các phương án liên quan đến việc phát hành thêm cổ phần (như trường hợp Coteccons là phát hành riêng lẻ và phát hành hoán đổi sáp nhập) luôn mang một rủi ro cố hữu. Quy mô công ty tăng lên và thậm chí phát triển tốt, nhưng lợi ích cổ đông trên từng cổ phần vẫn có thể suy giảm vì sự cộng hưởng kinh tế không đủ bù đắp lại tỷ lệ pha loãng.
Về thương vụ Ricons, chuyện đi đến hồi kết “không bàn đến việc sáp nhập lần nào nữa”, Chủ tịch Dương nói, như lời báo trước về một tương lai không êm ả của Coteccons.
Gần 16,300 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2019 khó làm vui lòng những người điều hành lẫn cổ đông của Coteccons, không chỉ vì đây là một kết quả suy giảm mà còn bởi bức tranh tương lai của nhà thầu xây dựng này đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Đáng chú ý, từ tháng 07/2017, nguyên Phó giám đốc Coteccons là ông Trần Quang Tuấn đã rời đi và thành lập CTCP Xây dựng Central (Central Cons), cạnh tranh một số khách hàng thân thiết của Coteccons như Vingroup, SSG Group, Phát Đạt… Được biết, Central Cons đã và đang thực hiện 39 dự án, tổng giá trị hợp đồng đã ký khoảng 10.000 tỷ đồng.