Đề tài nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 vừa được VinIF tài trợ triển khai, hứa hẹn đưa Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia trên thế giới sớm sản xuất thành công vắc xin.
TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế, tiết lộ về đề tài nghiên cứu được đánh giá là chưa từng có tiền lệ của Công ty. Đó là phát triển vắc xin chống lại chủng mới của coronavirus (COVID-19), mầm bệnh đang gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới và đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người.
Dự án đầy tham vọng
Ngành công nghiệp vắc xin toàn cầu bị chi phối bởi những tên tuổi lớn như Pfizer, GlaxoSmithKline (GSK) hay Sanofi. Nhưng đến nay các tập đoàn hàng đầu này vẫn chưa đề cập ý định làm vắc xin phòng COVID-19. Vì sao Công ty lại tham gia vào việc nghiên cứu này?
Việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trước hết giúp chúng ta chủ động về nguồn cung, nhất là để phòng ngừa hay chấm dứt một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đặc biệt nghiêm trọng như COVID-19. Thứ hai, mặc dù không ai mong muốn ở góc độ khoa học, điều kiện dịch bệnh là cơ hội giúp khẳng định năng lực nghiên cứu, vị thế của khoa học nói chung và y tế dự phòng của Việt Nam nói riêng.
Chúng ta có thể làm được, làm tốt thậm chí là đi đầu trong việc đóng góp cho thế giới. Bằng chứng là Việt Nam hiện là 1 trong 37 nước trên thế giới đạt Tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất vắc xin, tức vắc xin sản xuất ra có thể xuất khẩu.
Được biết đã có ít nhất 3 công ty được Liên minh sáng kiến đối phó với dịch bệnh (CEPI) tài trợ để phát triển vắc xin phòng COVID-19. Họ cũng tuyên bố có thể thử nghiệm trên động vật trong vài tháng tới. Công nghệ nghiên cứu mà Công ty sử dụng có gì khác biệt?
2 trong số 3 dự án mà CEPI tài trợ sử dụng công nghệ tổng hợp gen, dựa trên giải mã gen COVID-19 của các nhà khoa học Trung Quốc nên có thể đưa ra thử nghiệm trên động vật khá nhanh. Nhưng giai đoạn thử nghiệm và đánh giá trên người lại mất nhiều thời gian hơn và cũng không biết đến bao giờ mới thương mại hóa được. Trên thế giới đến nay cũng chưa từng có vắc xin nào thương mại hóa được theo các công nghệ này. Các nhà khoa học cũng cảnh báo về nhược điểm của công nghệ này là không tạo được đáp ứng miễn dịch cao.
Có thể bạn quan tâm
12:43, 20/02/2020
12:34, 21/02/2020
11:00, 20/02/2020
00:00, 20/02/2020
21:34, 19/02/2020
16:39, 19/02/2020
11:30, 19/02/2020
Còn loại vắc xin mà chúng tôi hướng đến là loại sử dụng protein. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau thì sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gen. Việc này giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc xin, dễ nâng quy mô sản xuất và giảm giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu về vắc xin trong trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm như COVID-19. Tuy nhiên, do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vắc xin nên dù nhanh nhất và thuận lợi nhất thì cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả.
Nếu thành công thì đề tài lần này sẽ có ý nghĩa như thế nào thưa Tiến sĩ?
Trong số rất nhiều chủng coronavirus có khả năng lây nhiễm ở người, đến nay mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là COVID-19. Cả 2 đại dịch lần trước, đáng tiếc là thế giới đều chưa có vắc xin nào được thương mại hóa. Bởi thế lần này nếu sản xuất thương mại được vắc xin phòng COVID-19 thì sẽ là một bước tiến rất lớn.
Chúng ta không thể dự báo được trong tương lai có thể có thêm chủng coronavirus nào mới xuất hiện và gây đại dịch ở người. Nếu tình huống xấu xảy ra, khi đã có trong tay công nghệ vắc xin rồi, lúc đó chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ có vắc xin mới. Nói cách khác, lần này nếu thành công thì sẽ là nền tảng để phát triển các vắc xin phòng đại dịch sau này chứ không chỉ riêng phòng coronavirus.
Tốn kém và rủi ro, nhưng cần làm
Phát triển vắc xin được xem là chương trình vô cùng tốn kém và rủi ro mà ngay cả các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới cũng phải thận trọng. Sẽ ra sao nếu đây cũng là một dự án rủi ro như thế?
Để tạo ra được một loại vắc xin mới cần phải trải qua rất nhiều giai đoạn nhằm đảm bảo tính an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của vắc xin. Nhưng không phải khi nào các dự án nghiên cứu cũng thành công. Có những loại vắc xin mà cả thế giới đều muốn có, như vắc xin phòng HIV, nhưng sau nhiều chục năm vẫn chưa thể tạo ra.
Bên cạnh đó là những nguy cơ như khi đi vào sản xuất thương mại thì dịch bệnh đã qua hoặc vắc xin bị rút phép, ngừng lưu hành vì tác dụng phụ… Lúc đó, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn. Trong khi, kinh phí để có được một loại vắc xin là vô cùng lớn. Đơn cử, phải mất cả triệu USD chỉ riêng cho khâu thử nghiệm trên người. Vì vậy, ngay cả các hãng dược lớn họ không phải lúc nào cũng sẵn sàng tham gia cuộc chơi.
Rủi ro và tốn kém là thế, song chúng tôi cho rằng nếu không bước đi đầu tiên thì sẽ không bao giờ đến đích cả. Việc gì cũng vậy luôn cần có người tiên phong.
Thông thường với các dự án nghiên cứu, sản phẩm đầu ra là yếu tố bắt buộc phải có để dự án được đầu tư hoặc cấp kinh phí. Vậy với dự án này thì sao, thưa ông?
Đúng thế. Trên thực tế nhiều đề tài đã phải trả lại tiền khi không thành công, điều này gây áp lực lớn cho việc nghiên cứu khoa học. May mắn là với đề tài lần này, chúng tôi được Quỹ VinIF của tập đoàn Vingroup tài trợ. Điều đáng nói, chúng tôi không chịu bất kỳ ràng buộc gì từ phía Quỹ VinIF. Tất nhiên, khi đã triển khai, cả hai bên đều mong muốn đề tài sẽ thành công nhưng quan trọng hơn cả là chúng tôi đều có chung mong muốn tạo ra một sản phẩm vắc xin cụ thể phục vụ cộng đồng.
Ở khía cạnh này, tôi nhìn thấy sự tương đồng của Quỹ VinIF và Quỹ Bill and Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú người Mỹ chuyên tài trợ cho các chương trình, dự án với mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và giảm đói nghèo trên toàn cầu. Chúng tôi hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp như Vingroup, sẵn sàng chung tay cùng Nhà nước và các nhà khoa học trong các hoạt động nghiên cứu vì cộng đồng, an sinh xã hội.
Xin cảm ơn và chúc đề tài thành công!