[COVID-19] Giai đoạn quyết định tạo “sức bật” sau đại dịch!

Sông Hàn 17/04/2020 11:45

Thời điểm hiện tại là giai đoạn chuyển biến vô cùng quan trọng để đất nước Việt Nam vượt qua dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 mới đây của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kéo dài thời gian cách ly xã hội ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM và Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm tỉnh có nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp và thống nhất, nhóm này không phải là bất biến và sẽ được xem xét, đánh giá lại.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương đặc biệt là 2 đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra.

Nhóm “có nguy cơ” gồm 15 tỉnh, thành: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Kiên Giang, Nam Định, Hải Phòng, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Đồng Tháp, Bình Phước, Nghệ An, Lạng Sơn, An Giang.

Có 36 tỉnh, thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg

Thủ tướng yêu cầu 28 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Ảnh: Quốc Tuấn.

Thủ tướng yêu cầu, tất cả các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu bao trùm: Kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế các trường hợp tử vong, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế - xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để từng địa phương có thể linh hoạt thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội; xây dựng các phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài.

Đáng chú ý, đợt này, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn của mình một cách phù hợp… Việc này sẽ thúc đẩy tính chủ động, linh hoạt lẫn phần trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong công tác chống giặc dịch.

Phải thừa nhận một điều rằng, tất cả các cơ quan, ban ngành, lãnh đạo đã và đang cố gắng hết sức để cùng nhân dân đẩy lùi, chiến thắng dịch COVID-19. Việt Nam cũng chấp nhận thiệt hại về kinh tế, nhưng bảo đảm được an toàn tính mạng cho nhân dân.

Người nghèo và 7 nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đã được Chính phủ hỗ trợ gói 62.000 tỷ, bước đầu bảo đảm nhu cầu tối thiểu. Cây “ATM gạo” đã xuất hiện để cứu đói người nghèo,…

Có thể bạn quan tâm

  • Thách thức 4.0 cho thị trường bất động sản thời COVID-19

    08:00, 17/04/2020

  • [DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] Vinatex chịu áp lực từ tài chính đến lao động

    11:00, 17/04/2020

  • Tương lai tươi sáng cho du lịch Việt sau COVID-19

    05:00, 17/04/2020

  • [COVID -19] Bước ngoặt lớn trong thực hiện "nhiệm vụ kép"

    08:37, 17/04/2020

  • TCM “thấm đòn” COVID-19

    21:27, 16/04/2020

  • Hà Nội đảm bảo không có tiêu cực trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19

    18:23, 16/04/2020

  • [COVID-19] Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”

    18:13, 16/04/2020

  • Các tòa án sẽ ưu tiên xét xử các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19

    17:50, 16/04/2020

Tất cả những gì trong khả năng, Nhà nước đã và đang làm hết để giúp người dân “dễ thở” hơn trong thời gian giãn cách xã hội. Và một trong những yếu tố khiến thời gian qua chúng ta chống dịch tốt là nhờ niềm tin của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp của Chính phủ.

Thực tế, diễn biến dịch bệnh trên thế giới cho đến nay vẫn còn phức tạp sẽ còn kéo dài. Ở trong nước, diễn biến dịch bệnh và điều kiện giữa các địa phương cũng khác nhau. Song song, mặt trận kinh tế Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, cũng cần được giải cứu.

Nên đây là giai đoạn chuyển biến vô cùng quan trọng để đất nước không bị tê liệt. Bây giờ không chỉ Chính phủ và người dân, mà còn bên thứ 3 là lãnh đạo các cấp Chính quyền địa phương và hệ thống chính trị xã hội tầng tầng lớp lớp tham gia tích cực vào trận chiến với giặc dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những người sản xuất, kinh doanh, cũng là những chiến sĩ dũng cảm. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ để cố gắng với nỗ lực cao nhất không để giảm sâu tăng trưởng”.

Tức là, chúng ta không thể “đánh xong một trận rồi về đi cày” mà phải “vững tay cày, chắc tay súng”. Vì vậy cần phải tiếp tục thực hiện tốt “hai mũi giáp công” là vừa chống dịch, vừa phải bảo đảm cuộc sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch bệnh.

Nói cách khác, cần khôi phục đời sống kinh tế xã hội ngay vì nếu chờ vắc xin  hay chờ hết dịch mới khởi động lại thì quá muộn. Trước mắt chỉ còn dựa vào nội lực quốc gia, nên cần phải khơi thông được các dòng chảy nội địa.

Tất nhiên, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, học tập và đời sống của người dân nhưng đặt trong điều kiện đất nước có dịch với những quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt, giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Còn nhớ, thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải, khi Việt Nam chống chọi với khủng hoảng kinh tế khu vực cách đây hơn 20 năm. Thời điểm khó khăn đó, Chính phủ đã đưa ra phương án “kích thích nội thu”, đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong nước bằng chính nguồn lực nội tại, một số dựa án như xây dựng điện đường trường trạm được triển khai ngay. Kết quá, nền kinh tế thời kỳ đó đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục.

“Kích thích nội thu” của 20 năm trước có thể phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị phá vỡ, một số quốc gia trên thế giới đóng cửa thì Việt Nam có thể bình ổn kinh tế bằng chính thị trường nội địa của mình.

Có thể thấy, để vừa chống được dịch, vừa “sống thật sự” trong dịch COVID-19, vừa vực dậy nền kinh tế đã thì chỉ có thể trộng cậy vào sự đoàn kết, ý thức, hành động của toàn thể nhân dân ta.

Đồng thời, nó cũng đang là bài toán vô cùng thách thức cho Chính phủ. Nên xin nhắc lại một lần nữa rằng: Đây thật sự là giai đoạn chuyển biến vô cùng quan trọng để đất nước không bị tê liệt. Nếu chúng ta vượt qua được, thì sức bật “lò xo” sẽ bật nhanh sau đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[COVID-19] Giai đoạn quyết định tạo “sức bật” sau đại dịch!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO