Kinh tế

CPI còn dư địa kiểm soát

NGUYỄN VIỆT 10/08/2024 03:20

CPI 7 tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ, thấp hơn dự liệu trước đó.

Trong tháng 7, giá nhóm thực phẩm nói chung gần như không có biến động, khi tác động chưa tới 0.1 điểm % vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Riêng nhóm lương thực còn giảm giá nhờ nguồn cung ổn định.

CPI 2
Trong tháng 7, giá của nhóm thực phẩm nói chung gần như không có biến động.

Nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ bản.

Chia sẻ về số liệu trên, chuyên gia kinh tế PGS, TS. Ngô Trí Long nhận định tình hình lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Kết quả này cũng cho thấy nỗ lực trong điều hành các chính sách của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

"Thủ tướng Chính phủ đề ra nhiều giải pháp, kiểm soát lạm phát không chỉ kiểm soát giá cả các mặt hàng, mà đó là tổng thể hài hòa các biện pháp, trong đó biện pháp quan trọng và chủ yếu nhất là chính sách tiền tệ", PGS. TS Ngô Trí Long nói.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính đánh giá trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.

Do đó, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.

TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) bình luận dự báo cuối năm, có một số yếu tố thuận lợi trong điều hành. Đó là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, cung hàng hóa dồi dào không gây biến động lớn về giá.

Cùng với đó, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm hạ nhiệt (dưới 3%), việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% giúp giảm giá hàng hóa, là các yếu tố thuận lợi trong điều hành.

Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố gây sức ép lên CPI cuối năm, như CPI 6 tháng đầu năm đã vượt mốc 4%, đồng loạt tăng lương từ 1/7, tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện…

CPI 1
Tình tình hình lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.

Từ đó, TS. Lê Quốc Phương đưa ra hai kịch bản từ nay tới cuối năm 2024. Thứ nhất, trong trường hợp các nền kinh tế lớn giữ nguyên lãi suất hoặc hạ chậm, kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ, giá hàng hóa thế giới không tăng, CPI bình quân cả năm tăng khoảng 4%. Thứ hai, nếu trường hợp các nền kinh tế lớn hạ lãi suất, kinh tế thế giới khởi sắc, giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ, CPI bình quân cả năm vượt 4%.

Như vậy, để đảm bảo thực hiện mục tiêu CPI bình quân từ mức 4 - 4,5% trong năm 2024, theo TS. Lê Quốc Phương cần điều hành thận trọng, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý, đặc biệt giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục, tránh hiện tượng cộng hưởng giá.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình điều phối không để tăng giá, đáp ứng nhu cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, tác động lớn đến CPI.

“Đảm bảo cung ứng, lưu thông phân phối đầy đủ, kịp thời không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, làm tăng giá đột biến”, TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm còn nhiều biến số khó lường, tình hình địa chính trị trên thế giới sẽ tác động tới giá cả thế giới và tác động trực tiếp đến Việt Nam.

“Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi của nền kinh tế trong nước, vì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp để kiểm soát lạm phát mục tiêu là 4%”, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CPI còn dư địa kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO