Một điểm tích cực ở Tổng thống Mỹ Donald Trump là không ngại thay đổi ý định. Trong những ngày gần đây, cả ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đều đưa ra những gợi ý rằng việc gia nhập lại CPTPP “đang được cân nhắc”.
Theo ông Peter Tasker, chuyên gia phân tích của Arcus Research ở Tokyo, nếu Trump đảo ngược quyết định của mình, đó sẽ là một thắng lợi to lớn cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã duy trì sự ủng hộ cần thiết cho TPP sau khi Mỹ rút lui, và cho Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, người đã cố gắng thuyết phục Trump về những lợi ích của Hiệp định.
"Đối với cả Nhật Bản và Australia, duy trì sự tham gia của Mỹ trong khu vực là vấn đề có tầm quan trọng ở mức quốc gia. Nhiều nước thành viên khác sẽ hoan nghênh sự quay trở lại của Mỹ để tránh bị rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc", ông Tasker nhận định.
Về mặt ảnh hưởng kinh tế thuần túy, xuất khẩu hàng dệt may và các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ được đẩy mạnh nhờ cắt giảm thuế quan tại các thị trường lớn trong khối và nhiều khả năng sẽ có sự bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài liên quan đến những mặt hàng này. Đối với Nhật Bản, sẽ có tác động kinh tế tích cực theo một cách khác. Những sáng kiến cải cách đang vấp phải sự phản đối trong nước có thể được thông qua bằng lý do "áp lực từ bên ngoài".
Vậy điều gì đã khiến Trump thay đổi quan điểm? Câu trả lời rõ ràng là sự lo ngại ngày càng tăng của các cố vấn kinh tế của ông và những người làm chính sách của Mỹ nói chung về Trung Quốc - mối đe dọa chiến lược dài hạn của Mỹ. Hiệp định này luôn được coi là biện pháp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Như cựu Bộ trưởng phụ trách TPP của Nhật Bản, Akira Amari, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: "Trung Quốc đang rất cố gắng để các quy tắc của mình được công nhận là tiêu chuẩn. Nhưng những tiêu chuẩn này hơi khác so với những gì Nhật Bản, Mỹ và châu Âu coi là công bằng. Tôi không nghĩ rằng Mỹ có thể chấp nhận chúng như là tiêu chuẩn toàn cầu”.
Thực tế khắc nghiệt là, bất kỳ hy vọng nào về một nước Trung Quốc giàu mạnh có hội tụ các quan niệm của phương Tây về quản trị chính trị và tự do ngôn luận bây giờ đã trở thành vô vọng. Ngược lại, thành công của Trung Quốc trong tăng trưởng kinh tế, đồng thời thách thức các chuẩn mực phương Tây đã góp phần đưa ra một mô hình khác cho các nước trong khu vực.
Ông Zachary Torrey, chuyên gia phân tích an ninh và kinh tế châu Á, đánh giá, ấn tượng không thể chối cãi là ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang suy giảm nhanh chóng.
"Việc Mỹ trở lại CPTPP có thể thay đổi đáng kể tình trạng này", ông Torrey nói và cho biết, ngay cả khi không có sự hiện diện của thị trường Mỹ khổng lồ, Thái Lan đang xem xét việc gia nhập CPTPP. Tuy nhiên, như cựu quan chức Bộ Ngoại giao Đài Loan Huang Kwei-Bo cho hay, một TPP không có Mỹ giống như một con hổ không có răng. Đó là sự khác biệt giữa một thỏa thuận chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và một thỏa thuận chỉ chiếm 15%. Trong trường hợp Mỹ tái tham gia, nhiều khả năng Indonesia, Đài Loan và Philippines cũng sẽ gia nhập Hiệp định này.
Một bất ngờ khác với CPTPP có thể là Vương quốc Anh hậu Brexit. Theo các phương tiện truyền thông, chính phủ Anh đang nghiên cứu khả năng này và các cuộc thảo luận không chính thức đã được tổ chức.
Liệu các thành viên hiện tại của CPTPP có chấp nhận đàm phán lại với Mỹ bất chấp một cam kết chung về việc không can thiệp vào văn bản gốc?. Giới chuyên gia cho rằng, câu trả lời là có thể. Bởi xét cho cùng, việc tiếp cận thị trường Mỹ là điểm hấp dẫn chính cho nhiều quốc gia thành viên khác của CPTPP.
Tương lai của CPTTP là một phép đo tương lai của khu vực châu Á. Liệu Hiệp định có phải mở và các tiêu chuẩn của Trung Quốc có chiếm ưu thế như ông Akira Amari lo sợ hay CPTPP có thể tái cấu trúc và phát triển?