"Cú hích" mới cho hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc

CẨM ANH 02/07/2024 04:00

Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

>> Việt Nam - Hàn Quốc sẽ cùng nhau tạo ra những giá trị mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc. Ảnh:VGP

Trong hơn 30 năm qua, Hàn Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam nói riêng và với ASEAN nói chung; đồng thời coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong chính sách đối ngoại tại khu vực Đông Nam Á và trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc. Việt Nam khẳng định coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai nước thực chất và toàn diện.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước phát triển nhanh chóng và hiệu quả trong các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, đến kinh tế, văn hóa... Tháng 6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Tại các cuộc hội đàm, lãnh đạo hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc hơn 30 năm qua, tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo dấu mốc mới, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp hơn nữa với tầm cao hơn, sâu sắc hơn và chất lượng hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong hợp tác kinh tế, hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Việt Nam ngày càng thu hút thêm đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc, tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 6/2024, Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, với 10.003 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 87,46 tỷ USD. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào Việt Nam, tăng khoảng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Hàn Quốc cũng là đối tác lớn thứ hai về hợp tác phát triển (ODA); là đối tác lớn thứ ba về thương mại và hợp tác lao động. Hàn quốc là thị trường cung cấp khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023. Hợp tác hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương... đều được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt 76,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,5 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 52,6 tỷ USD. Trong 4 tháng từ đầu năm 2024, tổng kim  ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trả lời phỏng vấn The Korea Herald, Đại sứ của Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ cho biết, đã đến lúc mở ra một chương mới trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo ông Vũ Hồ, chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tuần này sẽ là cơ hội để xem xét những gì đã học được, những gì chúng ta đã đạt được khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng cho biết thêm, nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo là yếu tố quan trọng đối với sự hợp tác trong tương lai, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, tại buổi Tọa đàm bàn tròn giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vàlãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc trong các lĩnh vực, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cho thấy mong muốn được đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị cao tại Việt Nam. 

>> Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

Chủ tịch tập đoàn GS Energy Huh Yongsoo phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Chủ tịch tập đoàn GS Energy Huh Yongsoo phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Cụ thể, ông Jung Yeoin, Chủ tịch Doosan Enerbility, cho biết tập đoàn này vào Việt Nam từ năm 2006 và đang muốn tham gia vào các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam. "Phát điện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ, cùng Việt Nam đào tạo về chuyên môn", ông Jung Yeoin cho biết và đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ông Jung In Sub, Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace, cho biết Tập đoàn này mong muốn cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay ở Việt Nam. Ông Jung nói thêm, hiện Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay, nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để thực hiện các dịch vụ này. Vì vậy, Tập đoàn này hy vọng thời gian tới sẽ làm được các công việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay ở Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam; đồng thời Việt Nam hợp tác đầu tư trên nguyên tắc "3 bảo đảm", bao gồm bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là hợp phần quan trọng của kinh tế; bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội và ổn định về chính sách.

Nhiều chuyên gia đánh giá, với khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động tương đối dồi dào và trẻ, môi trường chính trị ổn định và chính sách hỗ trợ của chính phủ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ vẫn là điểm đến FDI ưa thích của doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và doanh nghiệp toàn cầu nói chung, với việc tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư, đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam - Hàn Quốc sẽ cùng nhau tạo ra những giá trị mới

    Việt Nam - Hàn Quốc sẽ cùng nhau tạo ra những giá trị mới

    11:11, 01/07/2024

  • Tiếp tục thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc cất cánh

    Tiếp tục thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc cất cánh

    10:30, 01/07/2024

  • Vì sao du lịch Hàn Quốc “hút” khách Việt?

    Vì sao du lịch Hàn Quốc “hút” khách Việt?

    17:27, 24/06/2024

  • Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

    Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

    00:20, 24/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Cú hích" mới cho hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO