Các quy định về xây dựng, cải tạo nhà chung cư đã dần được tháo gỡ, một số nội dung còn vướng mắc tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP đã được hiện thực hóa tại Luật Nhà ở (sửa đổi).
>>Bất ngờ con số cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM
Cụ thể, tại Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua, Khoản 3 Điều 64 đã quy định các yêu cầu về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, căn cứ danh mục, địa điểm có nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại theo quy định của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giải pháp quy hoạch xây dựng lại cả khu chung cư hoặc giải pháp quy gom để thực hiện xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Nhận xét về điểm mới này, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng điều này đã “luật hóa” quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP về “giải pháp quy gom để thực hiện xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận” là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân muốn được tái định cư tại chỗ trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận để phù hợp với cuộc sống và sinh kế của mình.
Bên cạnh đó, Điều 63 cũng quy định cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư với nhiều cơ chế ưu đãi như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
>>Tạo sự đồng thuận người dân trong cải tạo chung cư cũ
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 (tương đương hơn 3 triệu m2 sàn) với hơn 100 nghìn hộ dân sinh sống. Các nhà chung cư được xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau và được bố trí tại các đô thị của địa phương.
Ở phía Bắc, chủ yếu được xây dựng trong giai đoạn từ những năm 1960 đến những năm 1970 của thế kỷ trước, phổ biến là các nhà chung cư 3-5 tầng. Một số địa phương có nhiều quỹ nhà chung cư cũ như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa...Trong đó quỹ chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội là nhiều nhất.
Trao đổi với DĐDN, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho hay, từ năm 2009, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được thực hiện theo Nghị quyết số 34 ngày 03/7/2007 của Chính phủ, trong đó đã có quy định các cơ chế ưu đãi về đất đai, tài chính và các cơ chế ưu đãi khác đối với chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Tiếp sau đó, Nghị định số 69 ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã quy định về việc quy định miễn tiền sử dụng đất đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Tuy nhiên, thực tế thì do Luật Nhà ở 2014 và Luật Đất đai 2013 chưa quy định miễn tiền sử dụng đất dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nên đến nay việc thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho các dự án này có thể chưa thực hiện được.
"Do đó, việc Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua quy định về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn, quy định này được thực thi sẽ hỗ trợ thiết thực cho các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư" - vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm