Cục diện thế giới đang bị chi phối mạnh mẽ bởi các cường quốc, mỗi chiến lược của họ đều gắn với lợi ích quốc gia, khiến thế giới bị phân mảnh, căng thẳng hơn bao giờ hết.
Một lần nữa phải dẫn lại câu nói kinh điển của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill: “không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn” để bao quát những gì đã, đang và sẽ xảy ra trên thế giới.
Căng thẳng lan rộng
Một trong những điểm nút đầu tiên không thể không nhắc tới, đó là chiến tranh thương mại. Nhưng sẽ không đầy đủ nếu gói gọn chiến tranh thương mại trong phạm vi hai cường quốc Mỹ - Trung, và cũng là phiến diện nếu đặt những xung đột thương mại nhỏ lẻ ngoài vùng ảnh hưởng của các cường quốc. Nói như thế có nghĩa, nếu nhìn cận cảnh, chiến tranh thương mại đang rất phổ biến.
Cách đây gần 20 năm, Mỹ và EU đã cho thấy dấu hiệu của chiến tranh thương mại. Thời điểm đó, Mỹ đánh thuế 30% vào thép nhập khẩu từ EU, ngay lập tức EU phản đòn bằng việc liệt ra danh sách hàng hóa Mỹ trị giá 2,1 tỷ USD phải chịu mức thuế và hạn ngạch nhập khẩu mới. Căng thẳng Mỹ- EU dai dẳng đến tận ngày nay.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 30/08/2019
06:55, 29/08/2019
Giữa năm 2018, khi Mỹ dở bỏ điều kiện thuế quan phổ cập với Ấn Độ, khiến New Dehli phật lòng và tuyên bố bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia. Nếu quan hệ Mỹ - Ấn rơi vào khủng hoảng, sẽ để lại khoảng trống nguy hiểm ở châu Á - Thái Bình Dương.
Các bên bắt đầu sa vào vũng lầy ích lợi, cuối cùng phải nhờ đến vai trò tài phán của WTO, chính Washington là một trong những “nguyên đơn” tích cực nhất, giành chiến thắng nhiều nhất trong những vụ kiện. Nhưng có điều, Mỹ dưới thời Trump luôn tỏ ra bất mãn với WTO và các tổ chức đa phương.
Chính khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đã kéo theo một loạt biến đổi khó lường: Trung - Nga như xích lại gần nhau, tạo thành một cực ở châu Á; EU chia rẽ cực độ…; đồng thời hối thúc các nước liên kết lại với nhau bằng các Hiệp định thương mại tự do.
Ván cờ của các siêu cường
Cục diện toàn cầu không khác gì ván cờ của các siêu cường, mọi sự thịnh- suy đều phụ thuộc vào mỗi nước đi của họ. Đó quy luật muôn đời, nhưng tùy vào từng giai đoạn mà các nước cờ diễn tiến khác nhau.
Còn nhớ năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật chiếm vị trí thứ 2 sau Mỹ. Một số nghiên cứu ở phương Tây dự báo, đến năm 2030 Mỹ sẽ mất vị trí số 1 thế giới. Thậm chí ở Trung Quốc đã hình thành “Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ” của GS. Hồ An Cương- Đại học Thanh Hoa. Đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến Trump phát động tấn công thương mại nhằm vào Bắc Kinh.
Trong khi việc Mỹ khơi dậy xung đột thương mại với EU nhằm chặn các nước này trợ cấp cho Airbus- bước đi thể hiện rõ rệt chiến lược “nước Mỹ trên hết”.
Còn Mỹ gây sức ép với Ấn Độ để thực hiện chiến lược “đánh trước, đàm phán sau” hòng tìm kiếm lợi thế trước cuộc đàm phán thương mại, thay thế thị trường Trung Quốc.
Phương châm “bài” Châu Âu, chống NATO của Trump vô tình đã tạo ra những “kẻ thù” không cần thiết cho Mỹ. Trong quá khứ, sự ủng hộ của Châu Âu và Liên Hợp Quốc giúp Mỹ gặt hái những thành công không nhỏ.
Trên thực tế, chính sách gây sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc, Iran và cả Châu Âu dường như đang đưa đến những hậu quả tiêu cực: Châu Âu phân mảnh, Trung - Nga bảy tỏ lập trường ủng hộ Teheran, chưa một nước nào đưa ra quan điểm nhất quán về thương chiến Mỹ - Trung, hầu hết đều tính toán hành động để giảm thiệt hại.
Hành động đơn phương của các siêu cường khiến cho cục diện thế giới ngày càng khó đoán định, nhưng nguy cơ khủng hoảng kinh tế đang cận kề, luật pháp quốc tế ngày càng bị xói mòn một cách trầm trọng.
Kỳ II: Các nước nhỏ cần làm gì?