Cho dù quyền lực ở Điện Kremlin hiện nay gần như tuyệt đối, song việc điều hành một quốc gia đa dạng như Nga vào cuộc chiến ở Ukraine là không hề dễ dàng.
>>Vấn đề của Tổng thống Putin trong lòng nước Nga
Giới tinh hoa chính trị ở Nga cho rằng, sự mở rộng của NATO về phía Đông, lôi kéo Ukraine đe dọa trực tiếp đến an nguy của họ. Do vậy, Tổng thống Putin đã mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào chính thể Tổng thống Zelensky - “tiên phát chế nhân”.
Đối với đại chúng phương Tây, lý do của Moscow không thực sự thuyết phục - đặc biệt đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến ở Ukraine khiến nước Nga trượt dài trên nhiều lĩnh vực. Rõ ràng, không thể dùng đến lý do “an ninh quốc gia” để giải thích cho cuộc chiến tranh rất ác liệt đang diễn ra.
Một phần quan trọng của chiến sự Nga - Ukraine xuất phát từ vấn đề của nội bộ nước Nga. Ngày càng có nhiều câu hỏi đặt ra: Liệu rằng, cuộc chiến tranh này giúp giải tỏa bế tắc của một hệ tư tưởng lớn bị mắc kẹt? có giải phóng hàng loạt mâu thuẫn âm ỉ trong lòng nước Nga sau hơn 20 năm có xu hướng rơi vào chuyên chế?
Còn nhớ trước đây, cựu Tổng thống Nga, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, Dmitry Medvedev đã kêu gọi người dân tố cáo những người nhận tiền hoặc việc làm từ các nguồn Ukraine.
Điển hình hơn, tại nước Nga đã xảy ra sự việc có tính đại diện như sau: một giáo viên tố cáo một bé gái 13 tuổi vẽ một bức tranh phản chiến, khiến cha của bé gái bị bắt và bé bị đưa vào trại trẻ mồ côi...
Thực sự đã có một cuộc chiến trong lòng nước Nga, ở đó người dân không còn thoải mái bộc lộ thái độ với những gì xảy ra trong đời sống thường nhật. Những gì được khuyến khích là ủng hộ hoặc im lặng với tính chất ưu việt của hệ thống chính trị đang lãnh đạo toàn diện.
Đây là con số chứng minh: Theo trung tâm nghiên cứu Lavada, vào tháng 9/2022, khi việc động viên một phần được công bố, khoảng 66% dân số cho biết họ đang theo dõi cuộc chiến ở mức độ ít nhiều. Tuy nhiên, đến tháng 3/2023, con số đó đã giảm xuống còn 53%, với 47% thừa nhận rằng họ ít quan tâm hoặc không quan tâm đến chiến tranh.
Nói tóm lại, Điện Kremlin muốn chia tách cuộc chiến ở Ukraine với đời sống trong nước. Rằng, cuộc chiến là công việc của giới tinh hoa; phía người dân chỉ nên tuân thủ, ví như lệnh động viên một phần, đưa nền kinh tế vào trạng thái thời chiến,…
Không gì có thể giải quyết mâu thuẫn tốt hơn một cuộc chiến tranh! Bằng cách đó, Tổng thống Putin đã tạo ra kẻ thù ở bên ngoài lãnh thổ để làm giảm những vấn đề căng thẳng trong nước. Và rằng, tình trạng trì trệ kinh tế ở Nga là do sự thù địch từ phương Tây.
Ví dụ, cựu Bộ trưởng Bộ nội vụ nước này, ông Rasid Nurgaliyev cho hay, mỗi năm, nước Nga thiệt hại khoảng 20 tỷ USD vì nạn tham nhũng. Lưu ý rằng, đây là con số được thừa nhận cách đây hơn 15 năm về trước.
Cũng theo ông Nurgaliyev thì hiện có đến 2/3 doanh nhân Nga có dính líu đến các hành vi tham nhũng và nạn hối lộ đã trở thành một căn bệnh trầm kha, khá phổ biến trong giới quan chức ở Nga. “Ngày nay, tham nhũng đã trở thành một hệ thống, thực hiện nhiệm vụ phân phối lại các khoản thu nhập” - vị cựu quan chức Nội vụ Nga cho biết.
Một số nhà phân tích còn cho rằng, việc tổ chức cuộc chiến tranh cũng là phương pháp hữu hiệu triệt tiêu bớt sức mạnh và quyền lực đối trọng của lực lượng đối lập. Hẳn nhiên, khi dựng lên kẻ thù ngoài lãnh thổ, ông Putin muốn toàn dân đoàn kết chống lại và cá nhân ông sẽ là lãnh tụ vĩ đại dẫn dắt dân chúng Nga thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng.
Có thể bạn quan tâm