Việc cạnh tranh trong lĩnh vực khoáng sản và đất hiếm đang thúc đẩy quá trình hình thành các liên minh khoáng sản lớn trên toàn cầu.
>>“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ II): Cuộc tranh giành Mỹ - Trung
Hiệp định Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP) được Mỹ công bố vào tháng 6/2022 nhằm tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, với mục đích đảm bảo rằng các khoáng sản quan trọng được sản xuất, chế biến và tái chế theo hướng giúp các quốc gia đảm bảo nguồn cung ổn định cho nền kinh tế.
Hiệp định này cũng nhằm mục đích làm suy yếu sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng trên toàn thế giới. Trọng tâm chủ yếu là thiết lập chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng như coban, niken, lithium và 17 loại khoáng sản nhóm đất hiếm.
Không chỉ tại khu vực châu Mỹ, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khoáng sản cũng đang khiến nhiều quốc gia khác lo lắng và phải tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế để tránh nguy cơ phụ thuộc. Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và Bolivia - quốc gia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới đã có chương trình hợp tác lịch sử khai thác khoáng sản.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Chile - top 3 nước sở hữu lithium lớn nhất thế giới, chiếm 36% trữ lượng toàn cầu. Dự kiến một biên bản ghi nhớ sẽ sớm được 2 bên ký kết nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng khoán sản.
Để giành được lợi thế trong cuộc đua công nghệ cao và hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch, các khoáng sản quan trọng có giá trị như đất hiếm, coban... sẽ càng trở nên có giá trị hơn theo thời gian. Do đó, việc kiểm soát trữ lượng khoáng sản quan trọng sẽ ngày một trở nên cấp thiết.
Ông Jonathon Smith, Phó Giám đốc Nghiên cứu ESG tại Sustainent Fitch cho biết: “Tính dễ bị tổn thương về nguồn cung đất hiếm là yếu tố chính trong việc hình thành các liên minh để đảm bảo quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng”. Hơn nữa, chuyên gia này cũng chỉ ra, cuộc chiến Nga -Ukraine cũng cho thấy, việc phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất để đảm bảo an ninh năng lượng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro địa chính trị.
Trung Quốc hiện là một trong những nhà sản xuất và cung cấp khoáng sản quan trọng lớn nhất trên thế giới. Quốc gia này chiếm hơn 80% nguồn cung nguyên tố đất hiếm toàn cầu, tinh chế 68% lượng niken, 40% lượng đồng và 59% lượng lithium của thế giới. Trong khi Trung Quốc không có trữ lượng coban lớn, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đầu tư vào các mỏ coban và sở hữu 15 trong số 17 hoạt động khai thác coban tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).
Quốc gia này còn nắm giữ 78% công suất sản xuất pin EV trên thế giới, phần lớn sản lượng pin mặt trời trên thế giới và hơn 3/4 số nhà máy sản xuất pin lithium-ion hiện có.
>>“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ III): Giành giật trên Mặt Trăng- hậu quả khôn lường
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, sự thống trị của quốc gia này đối với các khoáng sản quan trọng dường như là điểm tranh chấp mới nhất.
Ông George Cheveley, chuyên gia về khai thác kim loại tại công ty quản lý tài sản Ninety, cho biết: "Thế giới đang cạnh tranh và các động thái của Trung Quốc trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu với đất hiếm rõ ràng đã thúc đẩy Mỹ và EU xem xét khả năng tiếp cận các nguồn khoáng sản quan trọng và tính toán xem liệu họ có cần thực hiện các bước tương tự hay không”.
Khả năng tiếp cận lâu dài nguồn cung đất hiếm cũng như quá trình chuyển đổi giảm phát thải cacbon đi đôi với nhau. Vì vậy việc xây dựng các liên minh khoáng sản giữa các quốc gia là yếu tố cần thiết để đảm bảo nguồn cung được duy trì liên tục bởi các nhà cung cấp đáng tin cậy.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng cách tiếp cận toàn diện về an ninh khoáng sản cho các nhà hoạch định chính sách của các liên minh để tránh việc hạn chế khả năng tiếp cận các khoáng sản quan trọng. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tính minh bạch của thị trường, tăng cường tái chế các khoáng sản quan trọng, cũng như duy trì các giá trị môi trường và xã hội trong việc phát triển chính sách tập trung vào khoáng sản.
Nhóm Nhà đầu tư về Biến đổi Khí hậu (IGCC) cho rằng: “Các ngành công nghiệp khoáng sản quan trọng phải được định hướng để phát triển bền vững lâu dài. Việc các liên minh khoáng sản đạt được sự phát triển bền vững trong việc khai thác có nghĩa là giảm thiểu tác động đến môi trường, cũng như có thể tăng nguồn cung mà không gây tổn hại đáng kể cho xã hội và môi trường.”
Có thể bạn quan tâm
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ III): Giành giật trên Mặt Trăng- hậu quả khôn lường
04:00, 25/08/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ II): Cuộc tranh giành Mỹ - Trung
04:30, 24/08/2023
“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?
04:00, 23/08/2023
Ai giúp Nhật Bản thoát phụ thuộc đất hiếm Trung Quốc?
03:00, 17/08/2023