Cuộc đua 5G và "biên giới số" ngăn cách các quốc gia

Cẩm Anh 07/06/2019 21:10

Việc Nga kí thỏa thuận cho phép Huawei đầu tư xây dựng mạng 5G tại quốc gia này cho thấy thế giới đang sắp bước vào sự chạy đua công nghệ mới.

Lễ ra mắt dịch vụ 5G của SK Telecom tại Seoul, Hàn Quốc.

Lễ ra mắt dịch vụ 5G của SK Telecom tại Seoul, Hàn Quốc.

Trong khi Mỹ tập trung tấn công ngăn chặn Huawei tại những quốc gia đồng minh, họ đã bỏ qua một "mảnh đất" tiềm năng, đó chính là Nga. Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, Huawei đã ký thỏa thuận với Công ty MTS của Nga để phát triển mạng 5G trong năm tới.

Tuy nhiên, việc tham gia “cuộc đua 5G” cho thấy các quốc gia đang ý thức sâu sắc vai trò của công nghệ trong bối cảnh thế giới đã chính thức bước vào thời kỳ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Có thể bạn quan tâm

  • Mạng 5G có thể làm sai lệch dự báo thời tiết?

    10:30, 28/05/2019

  • Giấc mơ 5G của Đông Nam Á đổ vỡ?

    06:55, 28/05/2019

  • 5G có thể hỗ trợ xây dựng hàng không dân dụng thông minh

    02:38, 17/05/2019

  • Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên

    00:00, 11/05/2019

Đồng thời, khi các quốc gia cạnh tranh mở rộng các sáng kiến 5G của riêng họ để tìm kiếm lợi thế cho doanh nghiệp, các nguồn vốn đầu tư vào các công nghệ này sẽ ngày càng trở nên cần thiết hơn trong tương lai. 

Do đó, việc Nga quyết định tham gia vào đường đua công nghệ mới này cho thấy chính phủ Nga không muốn đất nước này có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Và Huawei chỉ là sự lựa chọn mà Nga và các quốc gia khác sử dụng để có nhiều thêm ưu thế để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ mới này một cách nhanh nhất nhờ ưu thế giá thành.

Mặc dù vậy, khi các quốc gia tiếp tục tiến lên với việc phát triển mạng 5G, sự phân chia khu vực sẽ được hình thành. Một bên bao gồm những đồng minh của Bắc Kinh đang tiếp tục hợp tác với Huawei. Phía còn lại sẽ bao gồm Washington và một số đồng minh thân cận nhất của họ, những quốc gia đã tránh xa việc sử dụng công nghệ của tập đoàn này.

Tuy nhiên, ở giữa, vẫn là một loạt các quốc gia, hầu hết trong số đó có truyền thống gần gũi với Mỹ hơn Trung Quốc nhưng không sẵn sàng chịu sự chậm trễ và bỏ ra nhiều chi phí hơn để xây dựng mạng 5G do lệnh cấm Huawei của Mỹ.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc đua 5G sẽ dần trở thành một cuộc chiến mới giữa "hai phe" dẫn đầu bởi Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, sau lệnh cấm của Mỹ, Trung Quốc đang chuẩn bị ra mắt một hệ sinh thái mới cho các thiết bị của Huawei. Điều này dẫn tới việc trong tương lai, các quốc gia sử dụng thiết bị của tập đoàn này sẽ trở thành một "vùng" riêng biệt.

Điều này đã buộc các đối thủ quốc tế phải bản địa hóa dữ liệu của họ và đặt dữ liệu dưới sự giám sát của các cơ quan an ninh Trung Quốc. Đồng thời tác động lớn đến tự do internet toàn cầu, khi sự kiểm duyệt và giám sát dữ liệu mạng đã lan rộng sang một số quốc gia khác trên thế giới.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI) đã phân tích, sự cô lập về internet đã được Trung Quốc tiến hàng từ khá lâu khi nước này áp dụng chủ quyền không gian mạng. Trong đó chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các công ty công nghệ để sản xuất các sản phẩm "Made in China" và người dân sử dụng các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo (mạng xã hội tương tự như Facebook), Tik Tok...

Cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đã từng cảnh báo, công nghệ 5G với những cải tiến vượt trội được dự đoán sẽ đưa con người đến gần hơn bao giờ hết. Nhưng sự phân chia như hiện nay có thể đẩy con người tách xa nhau.

Chuyên gia này chỉ ra, trên thực tế, sự phát triển công nghệ một cách độc lập đã làm các quốc gia trở nên xa cách hơn khi các cường quốc công nghệ đều khuyến khích người dân sử dụng những sản phẩm nội địa và loại bỏ dần các sản phẩm của các quốc gia bên ngoài.

Ví dụ, sự vươn lên mạnh mẽ của Samsung cũng đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia công nghệ mới. Tại đây, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại Samsung nhiều hơn những người sử dụng điện thoại thông minh của Apple như Iphone; hay những nền tảng mạng xã hội như Line, Kakaotalk (tương tự ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger) cũng được người Hàn sử dụng.

Sự phân tách này dự kiến sẽ được nhân lên trong tương lai và dẫn đến các nguy cơ về bảo mật ở mức rất lớn khi Trung Quốc và Mỹ triển khai cơ sở hạ tầng, dữ liệu... không tương thích lẫn nhau, tạo dựng một "biên giới số" ngăn cách sự chia sẻ, kết nối thông tin giữa các quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra xu hướng bảo hộ công nghệ mới giữa các quốc gia và dẫn đến nguy cơ tụt lại phía sau nếu những hành động hạn chế gia tăng.

"Đã đến lúc các quốc gia coi 5G như một sân chơi chung, bình đẳng giữa mọi quốc gia và sử dụng công nghệ internet như đúng ý nghĩa ban đầu của nó là kết nối và rộng mở", chuyên gia Eric nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cuộc đua 5G và "biên giới số" ngăn cách các quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO