Cuộc cạnh tranh trong không gian đang dần lan rộng tại châu Á khi Hàn Quốc tìm cách gia tăng sự hiện diện trong vũ trụ.
>> Thị trường vũ trụ nghiêm khắc
Hàn Quốc chuẩn bị phóng vệ tinh quân sự nội địa đầu tiên. Vệ tinh này sẽ được tên lửa Falcon 9 của tập đoàn công nghệ SpaceX đưa vào quỹ đạo, trong khi đó Triều Tiên tuyên bố họ đã thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung mới (IRBM).
Seoul đã ám chỉ về việc cạnh tranh địa chính trị đang mở rộng vào không gian, đồng thời lưu ý rằng quan hệ đối tác của họ với Hoa Kỳ sẽ hình thành một “liên minh không gian” nhằm đảm bảo an ninh quân sự và kinh tế cũng như tiến bộ công nghệ.
Vụ phóng vệ tinh của Hàn Quốc cùng với SpaceX đánh dấu việc vệ tinh do thám nội địa đầu tiên trong số 5 vệ tinh do thám nội địa mà Seoul dự định đưa vào quỹ đạo vào năm 2025, nhằm hình thành hệ thống giám sát không gian của riêng mình đối với Triều Tiên, thoát khỏi việc phụ thuộc hoàn toàn vào các vệ tinh do thám của Mỹ trước đây.
Ông Lee Choon-geun, nhà nghiên cứu danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cho biết các vệ tinh do thám của Mỹ tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao hơn nhiều nhưng được vận hành theo các mục tiêu chiến lược của Mỹ.
"Mỹ đôi khi không chia sẻ ảnh vệ tinh chứa thông tin nhạy cảm cao với Hàn Quốc. Do đó việc sở hữu vệ tinh do thám riêng là một yếu tố quan trọng với Hàn Quốc", ông nói thêm. Quốc gia này cũng đạt được nhiều cột mốc ấn tượng trong lĩnh vực không gian khi vào tháng 6 năm ngoái khi Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới đưa một vệ tinh nặng hơn một tấn lên quỹ đạo.
Seoul đang đặt mục tiêu phóng thêm 4 tên lửa Nuri trong 5 năm tới, hạ cánh tàu thăm dò lên mặt trăng vào năm 2030 và tăng đội vệ tinh do thám lên 130 chiếc trong không gian vào năm 2030.
Mặc dù vậy, ông Lee Il-woo, một nhà phân tích tại Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc nhận định, vẫn còn nhiều lo ngại về năng lực của vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Hàn Quốc, với lý do độ phân giải không gian tương đối thấp. Thậm chí, ông cho rằng độ phân giải của loại vệ tinh này còn thấp hơn cả các vệ tinh thương mại có độ phân giải cao.
“Bên cạnh việc thu thập dữ liệu không gian từ vệ tinh, Hàn Quốc cũng cần nỗ lực rất nhiều để tăng cường khả năng lọc và phân tích những dữ liệu được thu thập đó, một lĩnh vực mà đất nước này thua xa các đối thủ tiên tiến khác”, chuyên gia này chỉ ra.
Với 5 vệ tinh, Seoul sẽ chỉ có thể theo dõi Bình Nhưỡng 10 giờ mỗi ngày, rất ngắn so với khoảng thời gian cần thiết để giám sát các bệ phóng di động của Bình Nhưỡng. Do đó, việc hợp tác kỹ thuật với Mỹ hy vọng sẽ cải thiện năng lực của Hàn Quốc.
>> Thách thức mới với liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc
Các nhà phân tích nhận định, sự gia tăng các vụ phóng vệ tinh quân sự ở châu Á trong những năm gần đây đang cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ vũ trụ, cũng như sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong thời gian tới.
“Không gian ngày càng được quân sự hóa. Không gian đang trở nên giống như một bàn cờ địa chính trị khổng lồ. Việc đáp ứng lợi ích và ưu tiên của các bên liên quan khác nhau để đảm bảo một không gian bên ngoài an toàn, chắc chắn và bền vững là một vấn đề phức tạp”, chuyên gia quân sự Park Jin cho biết.
Đồng quan điểm, theo Omkar Nikam, chuyên gia về vũ trụ và quốc phòng, người đứng đầu Access Hub, một nền tảng nghiên cứu và phân tích, châu Á đã chứng kiến “sự gia tăng đáng kể” trong việc sản xuất vệ tinh quân sự mạnh mẽ hơn so với các châu lục khác.
“Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, tiếp theo là Australia, Hàn Quốc, New Zealand và các nước khác, đang nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ vũ trụ của họ trong cả lĩnh vực vệ tinh thương mại và quân sự”, ông cho biết.
Chuyên gia này phân tích thêm, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vũ trụ thượng nguồn mang lại ưu thế nhất định cho một quốc gia trong ngành vũ trụ quốc tế, bằng cách củng cố chuỗi cung ứng trong nước và giúp các cơ quan quốc phòng phát triển công nghệ của chính họ thay vì phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nước ngoài.
Dự kiến, nhiều quốc gia sẽ phát triển và đầu tư chiến lược vào lĩnh vực vũ trụ của họ trong những năm tới. Hiện nay Mỹ đang khởi động dự án Artemis bằng cách lôi kéo các đồng minh, bao gồm cả Hàn Quốc, vào cuộc chạy đua phát triển không gian trong bối cảnh cạnh tranh quân sự ngày càng gia tăng với Nga và Trung Quốc.
Về mặt thương mại, Mỹ đã mở ra một chương mới trong việc phát triển không gian với việc thúc đẩy thương mại hóa các phương tiện phóng có thể tái sử dụng của SpaceX… Điều này chứng minh được rằng ngành công nghiệp vũ trụ có hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm