Ông Trường chia sẻ những bài học khi khởi nghiệp cùng Ahamove, mà sự thật thì "vốn không đẹp như nhà đài thêu vẽ"…
"Hôm nay tôi chính thức tạm biệt hành trình trong vai trò quản lý của Ahamove, chỉ giữ lại cho mình chút danh vị Nhà đồng sáng lập", ông Nguyễn Xuân Trường - người vừa rời ghế CEO Ahamove tâm sự. Ông Trường cũng chia sẻ về những bài học khi khởi nghiệp cùng Ahamove, mà sự thật thì "vốn không đẹp như nhà đài thêu vẽ"…
"Hôm nay tôi chính thức tạm biệt hành trình trong vai trò quản lý của Ahamove, chỉ giữ lại cho mình chút danh vị Nhà đồng sáng lập", ông Nguyễn Xuân Trường - người vừa rời ghế CEO Ahamove mở đầu bài tâm sự của mình trên trang Facebook cá nhân, chính thức chấm dứt chặng đường 3,5 năm điều hành startup giao hàng on-demand.
Ông Trường sinh năm 1984. Sau khi tốt nghiệp MBA ở Mizzou (ĐH Missouri, Mỹ), ông đưa gia đình nhỏ trở về Việt Nam tháng 1/2014, bắt đầu dấn thân vào hành trình startup.
Sau 2 thất bại với uGenius - một phần mềm giáo dục tiếng Anh cho tuổi mầm non với mong muốn lũ trẻ được vừa học vừa chơi qua trải nghiệm trực quan trên app (smartphone, iPad) "như con nhà mình hồi bên Mỹ", và Olymsearch - mô hình Google for Shopping, ông Trường chuyển qua làm Adayroi, và sau đó bén duyên với Ahamove vào năm 2015.
Dưới đây là 4 bài học khởi nghiệp cùng Ahamove (chúng tôi đã biên tập và lược lại) với mong muốn đem đến câu chuyện khởi nghiệp từ góc nhìn của người trong cuộc, một hành trình rõ nét từ "Zero" của một startup Việt trước sức ép thay đổi hàng ngày của kỷ nguyên smartphone (mobilization) và số hóa (digitalization).
Làm startup mới thấy nó không đẹp như nhà đài thêu vẽ. "Chết sặc gạch" 2014 mà rồi 2015 lại "chui đầu vào rọ", khi lương không đủ chu cấp gia cảnh nhà 2 con mọn. Chút niềm vui còn sót lại là: Có thẻ ngân hàng để quẹt vay tiêu trước trả sau; và mỗi ngày đi làm là một ngày vui và ngập tràn năng lượng cùng lũ trẻ con cộng sự, trong ngập ngụa các vấn đề thị trường đánh cho bầm dập tơi bời.
Ship xế thiếu không biết kiếm đâu, shop hàng thì gặp 10 bị đuổi 9 được 1, đơn thì lúc nổ lúc xịt, có đơn mà xế không nhận, định giá từ free mà tính phí thì shop trùm đang nhiều đơn bỏ đi mất, nhân viên toàn đứa vắt mũi chưa sạch lắm lúc loay hoay chẳng biết làm sao, mà cũng không có người nốt…
Khi còn bé, các startup còn chẳng kịp hỏi tại sao mình vẫn sống? Song khi may mắn qua được vài con dốc thoải, gặp dốc đứng hơn là mất sức nhanh
Lúc đó trong đầu có Start with Why thì cũng chỉ dám hỏi tại sao mình lại bất lực vậy, rồi lầm lũi lôi bọn trẻ xông vào giải quyết "đấm đá túi bụi vật cản trên đường".
Mỗi ngày cả team Nam – Bắc nỗ lực tạo ra kết quả thêm chút 1%, rồi cũng đến lúc đưa được dịch vụ thử nghiệm Xe máy (Bike) ra thị trường vào 12/01/2016. Hai ngày chiến dịch đồng khởi kích hoạt thị trường tơi bời cùng The Coffee House, với siêu chiến tích lên tới…vài chục đơn mỗi ngày.
Khi còn bé, các startup còn chẳng kịp hỏi tại sao mình vẫn sống? Còn được bắt đầu ngày mới thật sớm, bị quay như quay dế với hàng tỷ vấn đề tít tới tận khuya là khiến ta vui rồi. Song khi may mắn qua được vài con dốc thoải, gặp dốc đứng hơn là mất sức nhanh. Một vài đứa trẻ bị hụt hơi bỏ cuộc luôn. Khi đó, trước gian nan chồng chất gian nan, làm thế nào để tái tạo năng lượng trên đường dài?
Rồi thì…mang về người khỏe để dẫn đường và trui rèn cho bọn trẻ con. Người khỏe ai cũng hỏi: sức trả được là bao nhiêu gạo? Không thì TẠI SAO tôi lại tham gia? Mà đường leo sao dốc vậy? Đó là lúc ý nghĩa "leo núi" vì cái gì phát huy tác dụng. Thì vì miếng cơm manh áo của hàng trăm, rồi hàng ngàn anh chị em shipper lệ thuộc vào chúng ta; rồi cũng hàng ngàn, rồi chục ngàn chủ shop ngoài kia đang bơ vơ không nhà logistics nào chịu giao hàng trong 30 phút – 2 tiếng tức thì chứ sao. Rồi nhìn quanh đi, làm quái gì có mấy cái "núi" phù hợp lại đáng để anh em tụ tập cùng leo, mà càng leo càng khỏe. Trên đường leo núi còn được cấp thêm gạo, còn được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, và mở rộng tầm nhìn của mỗi chúng ta. Thế tại sao không bắt đầu và tiếp tục hành trình? Let’s just climb high, climb together!
Và cứ thế, mỗi người tự đặt và tìm ra Tại sao của mình (find you Why).
Lúc bắt đầu tham gia đội ngũ sáng lập Ahamove, tôi đóng vai tổng quản Hà Nội dựng team từ số không, còn Sài Gòn thì có Hoài (CEO) – Phước (GM) – Ngôn (CTO) (các ông Lương Duy Hoài - Phước Trần và Phạm Hữu Ngôn - PV) và cả bộ sậu đội ngũ.
Muốn nhiều đơn thì cả lũ phải lôi nhau ra đường làm xế, mặc cho trời giá buốt, bão bùng, hay nắng đỏ lửa. Muốn giữ được xế thì phải bám khách hàng, thậm chí nhiều khi xuống ăn nằm bốc vác cho họ để nhận được thêm từng đơn lẻ
Ngoài thị trường xe máy đồng khởi thử nghiệm, tháng 11/2015 Hà Nội cũng nhận nhiệm vụ kích hoạt thị trường xe tải trong nội thành. Thế là team đã thiếu và yếu lại còn bị xé lẻ.
Tuổi trẻ chẳng sợ chi, thôi thì chơi tất, vác xe đi khắp chốn chợ cóc, gầm cầu, bến bãi để thuyết phục các bác tài ba gác cầm dump phone Nokia tít tít tè tè chuyển qua dùng smart phone để nhận đơn và chia hoa hồng với cháu đi, em đi. Bị các bác các anh hắt hủi như bị bệnh phong. Thế rồi cuối cùng cũng có bác tài chịu hợp tác, sau khi Ahamove cho mượn điện thoại thông minh, tự kiếm đơn về lại còn có Google Map dẫn đường đi đơn tới bất kỳ đâu. Mọi chuyện tốt dần lên…
Một nghịch lý phải giải trong các platform là vấn đề Con gà – Quả trứng. Với Ahamove thì đó là câu chuyện của Shipper (gọi thân thương là "xế") và đơn hàng. Ít đơn, ít xế; mà ít xế thì lại ít đơn. Muốn nhiều đơn thì cả lũ phải lôi nhau ra đường làm xế, mặc cho trời giá buốt, bão bùng, hay nắng đỏ lửa. Cứ làm sao để "fulfill" nhận và giao đơn thành công để khách vui, khách thương, rồi khách lại đặt đơn tiếp là được.
Mặt khác, muốn giữ được xế thì phải bám khách hàng. Thậm chí nhiều khi xuống ăn nằm bốc vác cho họ để nhận được thêm từng đơn lẻ.
Một cuộc chiến dai dẳng, mà tất cả phải đổ hết ra đường, xắn tay lên đóng đủ mọi loại vai, khó khăn không từ. Điều may mắn ở Ahamove là, dù gặp bao trắc trở cả team rồi cũng luôn đồng lòng bước qua mà vẫn giữ được tinh thần chiến đấu.
Startup nào từ Zero cũng dễ gây dựng tình bằng hữu từ công việc, miễn là có mục tiêu chung đến tới, có thách thức trên đường để vượt qua. Song sự thách thức sẽ lớn dần lên khi team vượt trên 50 rồi 100 rồi 200 người, lại nằm rải rác ở các thành phố, và các phòng ban silo ngày một cồng kềnh. Mà thực tế thì, số vấn đề và sự phức tạp của tổ chức luôn phình nhanh hơn tốc độ tăng nhân tài.
Để giải quyết bài toán kinh điển khi scale up đội ngũ ấy, việc luôn phải làm là xây dựng lớp nhân tài (build vs. buy talents) (xây dựng hay mua - PV) và đặt đúng họ vào những khu vực nóng bỏng nhất của trận địa, phá đá tìm đường lên đỉnh. Song nỗ lực đó sẽ không thể đủ khi không có sự gắn kết đội ngũ.
Với Ahamove, nếu Khách hàng là Thượng đế thì Tài xế là Ngọc hoàng
Thế nên team Ahamove hay được bay đi bay lại giữa 2 thành phố như chim trời để quen mặt nhau, và quan trọng không để 2 người (ở 2 miền) làm một việc, mà thay vì thế 1 người thậm chí có thể làm 2 việc. Nhiều khi, trong các dự án thúc đẩy bởi OKRs (Objectives & Key Results), các team tự phá vỡ cơ cấu silo, hình thành đội đặc công liên phòng ban để đi xử mục tiêu chung của mình. Cũng nhờ vậy, một người được học thêm nhiều năng lực mới, gắn kết với nhiều thành viên ở các bộ phận, cấp bậc hay khu vực địa lý khác nhau hơn. Tính kết dính trong tổ chức dần mạnh lên trong tình bằng hữu.
Tình bằng hữu lan rộng ra giữa các tổ chức có cùng tầm nhìn, chiến lược, và mục tiêu bổ khuyết. Trong suốt 4 năm qua, Ahamove không thể đảm bảo tốc độ và sự an toàn của dòng tiền giao dịch, đặc biệt là phí ship, mà không có sự đồng hành của người anh em Momo; không thể có những khách hàng F&B thân tín mà không qua tay iPOS; không thể tăng trưởng nhanh và phát triển thêm dịch vụ SAAS mà không có sự góp sức của The Coffee House; cũng không thể nuôi sống hàng ngàn anh chị em shipper mà không có sự cộng lực nâng đỡ của GHN. Một số cái tên thân thương đại diện cho hàng chục ngàn khách hàng – chủ shop bằng hữu ngoài kia.
Với Ahamove, nếu Khách hàng là Thượng đế thì Tài xế là Ngọc hoàng. Bất chấp bao khó khăn để kiếm tìm từng tài xế, luôn đảm bảo đơn hàng và dòng tiền để có thu nhập tốt nhất cho các anh chị, hay những khủng hoảng nhỏ do hiểu lầm hay truyền thông chưa thấu đáo, cộng đồng Anh Tài Ahamove ngày một lớn hơn, gắn kết và gắn bó hơn.
Mỗi ngày trôi qua là một ngày đội ngũ hiểu chức phận của mình. Công nghệ tối ưu đường đi, tối ưu ghép đơn các dịch vụ (AhaPooling), trải nghiệm bản đồ dẫn đường chính xác hơn, đội ngũ CC-CS thao tác hỗ trợ hiệu quả hơn qua Tổng đài và Email, đội sales nỗ lực mang về nhiều đơn hàng hơn,…chính là chất keo, từng giọt từng giọt một, tạo nên tình bằng hữu đó.
Tầm nhìn đôi khi nghe viển vông, song không có nó lại khiến ta đi lạc hướng. Thập kỷ 2020s thì đã đến sát cửa nhà, với những sự thay đổi chóng mặt về xếp hạng doanh nghiệp. Nhiều bạn "khủng long" biến mất, và thay vào đó là các kỳ lân