Sau một năm 2022 “đi trước về sau”, ngành du lịch Việt Nam đang có nhiều động thái nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi trong năm 2023.
>>Bình chọn cho du lịch Việt Nam tại World Travel Awards 2023
Đó là chia sẻ của ông Ngô Anh Tuấn – Tổng Giám đốc, Công ty TNHH TM & DL Hòa Bình, doanh nghiệp lữ hành đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2021 với DĐDN.
- Trong bối cảnh Trung Quốc - thị trường lớn nhất của du lịch Việt đã mở cửa với 20 quốc gia nhưng không có Việt Nam thì thay vì chờ đợi doanh nghiệp của ông đã có phương án nào thay thế?
Trước dịch COVID-19, năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc đạt khoảng 4,5 triệu lượt cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam. Với một thị trường rộng lớn 1,45 tỷ dân, lại nằm liền kề chúng ta như vậy rõ ràng tiềm năng khai thác là vô cùng lớn. Tuy nhiên với kinh nghiệm trải qua các giai đoạn khủng hoảng thị trường thì việc “bắc nước chờ gạo người”, phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường nào đó là sai lầm, chúng ta cần phải đa dạng hóa thị trường du lịch.
Chúng ta đang có các sản phẩm du lịch vô cùng phong phú và đặc sắc, phù hợp với nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau vì vậy cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý điểm đến và quản lý nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến điểm đến. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành thêm các chính sách đặc biệt để đa dạng thị trường, giúp doanh nghiệp mở rộng nguồn khách quốc tế. Thị trường khách Âu, châu Mỹ, Úc là những thị trường đã biết tới Việt Nam, chỉ cần mở cửa, xúc tiến điểm đến mạnh và có những chính sách tốt là có thể gia tăng số lượng khách từ các thị trường này.
- Thưa ông, khi mà các thị trường quốc tế chưa thể phục hồi hoàn toàn thì khách du lịch nội địa liệu có thể là “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp, địa phương trở lại tái thiết các hoạt động?
Tôi chắc chắn điều đó, chúng ta có hơn 90 triệu dân là khách hàng của các doanh nghiệp du lịch, khách hàng lại ngay bên cạnh chúng ta, hiểu biết về sản phẩm của chúng ta, có nhu cầu thường xuyên và là những khách hàng trung thành nhất. Khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp chúng ta vững vàng trong công cuộc tái thiết hoạt động du lịch quốc tế, cho phép chúng ta cân nhắc chọn lựa thị trường quốc tế phù hợp trong tương lại gần.
>>Giải pháp thay thế khách du lịch Trung Quốc
- Hải Phòng được biết đến là một địa phương đang rất tập trung trong việc quảng bá và phát triển du lịch địa phương, ông có đề xuất kiến nghị gì giúp các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương?
Tôi thấy rằng chúng ta đang làm rất tốt việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch trong thời gian qua. Một đôi điều “hiến kế” cũng là những đề nghị đó là: Cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội và các Hội chuyên ngành cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối vùng, liên kết trong hoạt động kinh doanh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến điểm đến thông qua các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hướng tới du khách. Hoạt động trải đều vào các thời điểm trong năm, chú trọng vào mùa thấp điểm, có kế hoạch sớm để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch.
Những gói sản phẩm du lịch Hải Phòng trong thời gian tới theo tôi sẽ là du lịch nghỉ dưỡng, tham quan biển đảo, du thuyền cao cấp, du lịch golf, hội nghị hội thảo, lễ hội. Bên cạnh đó là chương trình trải nghiệm du lịch đô thị mới phát triển và thưởng thức ẩm thực địa phương (foodtours)….
Còn chiến lược truyền thông ngoài những hoạt động xúc tiến điểm đến của ngành đang thực hiện thì bản thân các hoạt động tổ chức sự kiện ở quy mô lớn là những chiến dịch truyền thông rất tốt. Bên cạnh đó, truyền thông số, ứng dụng công tác chuyển đổi số vào các hoạt động truyền thông cung cần được đẩy mạnh. Kết hợp xúc tiến điểm đến Hải Phòng thông qua các sự kiện quốc tế, tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò tuyệt vời trong quảng bá Hải Phòng.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm