Nhận thấy sự hợp tác về văn hóa, du lịch giữa hai quốc gia còn nhiều dư địa, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh việc hai bên tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trong thời gian tới.
Trong thời gian 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã 2 lần gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Cường với mục tiêu tăng cường hợp tác toàn diện giữa 2 nước, cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt- Trung ngày càng tốt đẹp. Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc nhờ đó không ngừng tăng lên, diễn ra mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.
Bộ VHTTDL Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn cán bộ sang Trung Quốc học tập, giao lưu về thể thao, nghệ thuật, đạt hiệu quả cao. Về du lịch, 2 bên đều là thị trường quan trọng của nhau. Nhiều năm liền, trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch số 1 của Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 5 thị trường gửi khách tới Trung Quốc đông nhất.
“Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch nhưng dư địa phát triển, hợp tác ở các lĩnh vực nói trên của 2 nước là rất lớn. Tôi tin rằng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới để tương xứng với tiềm năng dồi dào và truyền thống tốt đẹp, lâu đời giữa 2 nước Việt - Trung”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Trung Quốc là cường quốc hàng đầu thế giới, Việt Nam là cửa ngõ của ASEAN với thị trường hàng trăm triệu dân. Năm 2019 có 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam, đến nay, vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Hợp tác đường sắt cũng đang gián đoạn, chưa thực hiện lại được.
Năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ký kết Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023- 2027. Thực hiện kế hoạch này, 2 nước sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc gặp gỡ thường niên cấp Bộ; tạo điều kiện để người dân và du khách đi lại thuận lợi lẫn nhau; phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của 2 nước.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết: “Thời gian tới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc khai thác chung thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc); khai thác các sản phẩm du lịch dọc biên giới 2 nước; quan tâm hơn tới chương trình du lịch theo dấu chân Bác Hồ tại Trung Quốc dành cho thế hệ trẻ…”.
Hai bên cũng cần tăng cường đi lại, học tập lẫn nhau trong quản lý văn hóa, du lịch, thể thao; đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch. Với sự hợp tác mạnh mẽ thời gian tới, Thứ trưởng Hồ An Phong mong muốn có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới điểm đến đầu tư hấp dẫn của Việt Nam; từ đó tăng cường hợp tác về kinh tế, du lịch giữa 2 nước.
Theo đó, bà Trần Dịch Quân, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây cho biết: “Việt Nam - Trung Quốc núi sông liền một dải, gắn bó như răng với môi. Thời gian gần đây, những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo 2 nước đã minh chứng sự mối quan hệ lâu đời, bền chặt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước 2 nước, các cuộc gặp gỡ như hôm nay tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ thân thiết ấy ở cấp địa phương”.
Tỉnh Quảng Tây có 8 huyện, 3 thành phố và tiếp giáp với 4 tỉnh của Việt Nam, thường xuyên có các cuộc giao lưu, hợp tác thiết thực. Ngày 15.10 vừa qua, sau 1 năm thí điểm, Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)- khu hợp tác xuyên biên giới hai nước trên cơ sở Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên đã chính thức đi vào vận hành.
Ngày 15/11 vừa qua, tại TP Bắc Hải cũng đã diễn ra lễ khai thông tuyến du lịch đường biển Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc) - Hạ Long (Quảng Ninh, Việt Nam).
“Trong thời gian hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn và các di sản quý giá cho thế hệ sau. Qua đó, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như câu nói “Việt Nam- Trung Quốc là 2 nước láng giềng gần gũi, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, bà Trần Dịch Quân nói.
Ở cấp địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể về văn hóa, thể thao và du lịch; khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và sự đa dạng của văn hóa vùng biên giới 2 nước. Trong đó, đưa mô hình khai thác chung thác Đức Thiên (Trung Quốc) và thác Bản Giốc (Việt Nam) thành mô hình kiểu mẫu giữa Việt Nam - Trung Quốc.