Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin, có dấu hiệu lừa đảo,….
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Công văn số 3005-CV/TU ngày 11-3-2019, đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, Công an thành phố tăng cường công tác kiểm tra; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các quận ủy, huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin định hướng dư luận xã hội, giúp nhân dân hiểu rõ bản chất của tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn và tự chịu trách nhiệm nếu tham gia hoạt động mua bán của mình; quán triệt, xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên nếu có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che, tiếp tay cho hoạt động môi giới nhằm trục lợi.
Đồng thời, Thường trực Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan để định hướng, ổn định dư luận xã hội.
Ban Nội chính Thành ủy có nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi việc triển khai các nội dung trên, kịp thời báo cáo và tham mưu chỉ đạo xử lý.
Trước đó, đầu tháng 11/2018, trên các trang mạng xã hội đăng tải một văn bản có ghi số 738/2018/UBND-XDCB, ngày 31-10-2018 giả chữ ký của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ với nội dung “v/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”. Nơi nhận của văn bản này là các cơ quan, bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Cẩm Lệ và UBND quận Ngũ Hành Sơn.
UBND TP Đà Nẵng khẳng định văn bản trên là văn bản giả mạo, không phải văn bản thật. Mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này với ý đồ tạo “cơn sốt đất” trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.
Tiếp đó, nhiều "cò" đất tiếp tục tung tin huyện Hòa Vang lên quận và chia tách thành hai đơn vị hành chính để "thổi" giá bất động sản. Liên quan đến vụ việc trên, ngày 7/3, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng gửi văn bản (số 614/SNV – XDCQ) đến các cơ quan báo chí trên địa bàn, cho biết: Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 211/216/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, huyện Hòa Vang chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chí chia tách thành 2 đơn vị hành chính. Vì vậy, những thông tin trên mạng xã hội gần đây về việc TP Đà Nẵng có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang là không chính xác.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 07/03/2019
11:02, 09/03/2019
11:05, 13/03/2019
07:00, 08/03/2019
21:21, 11/03/2019
Cũng liên quan đến cơn sốt đất tại Hòa Vang, đầu tháng 3/2019, UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã có văn bản khẩn gửi 11 xã trên địa bàn về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất trên địa bàn huyện.
Theo ông Đặng Phú Hành - phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, hiện tình hình mua bán đất trên địa bàn huyện Hòa Vang đang diễn ra sôi động. Giới "cò" đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi.
Vì vậy, lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang chỉ đạo giao UBND 11 xã thông tin, tuyên truyền cho người dân thận trọng trong việc mua bán đất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở vì sau này sẽ không có đất để sản xuất, không có đất để con, cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài.
UBND huyện Hòa Vang cũng giao Đài truyền thanh và truyền hình huyện thông báo rộng rãi để người dân nắm bắt rõ tình hình "sốt" đất ảo trên địa bàn, tránh tình trạng bị "sập bẫy" nhóm "cò" đất, gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của gia đình, cá nhân.