Đại học VinUni chính thức thành lập Trung tâm Khởi nghiệp E-Lab và công bố tài trợ 100.000USD/năm cho các dự án khởi nghiệp, nghiên cứu, các dự án xã hội dành riêng cho sinh viên.
Việc ra đời E-Lab không chỉ mang tới cơ hội học thật, làm thật mà còn góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên VinUni.
>>TP. HCM khởi công xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo
Trung tâm khởi nghiệp E-Lab tại Đại học VinUni được thiết kế không gian linh hoạt nhằm phục vụ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, bao gồm: Khu làm việc mở “Co-working Space” cho các công ty khởi nghiệp; Không gian sáng tạo “Creative Space” - nơi mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng, tổ chức các chương trình workshop; Khu tư duy thiết kế “Design Thinking Lab” - nơi sinh viên có thể thiết kế các mô hình, sản phẩm demo cho dự án…
Giáo sư Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni chia sẻ: “Thúc đẩy và phát triển tinh thần khởi nghiệp cho các nhà lãnh đạo tương lai trong các lĩnh vực Kinh doanh, Khoa học sức khỏe, Kỹ thuật, hay các tổ chức cộng đồng là một ưu tiên quan trọng của VinUni. Dù sinh viên sau này sẽ khởi nghiệp hay làm việc cho các tổ chức doanh nghiệp, khả năng nhận biết và nắm bắt cơ hội cũng như sự bền bỉ, ý chí kiên cường là những yếu tố cần thiết để các bạn có thể thành công trong tương lai. Đó chính là mục tiêu của E-Lab!”
Với quan niệm “bất cứ ai cũng có thể khởi nghiệp”, sinh viên VinUni được khơi dậy tinh thần khởi nghiệp thông qua các môn học, hội thảo và các cuộc thi về khởi nghiệp được trung tâm kết hợp với các khoa, viện tổ chức liên tục. Trong đó, Sáng tạo thích ứng (Agile Innovation) là một môn học thực tế bắt buộc ngay từ năm nhất. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên VinUni sẽ tìm ra cơ hội trong các tình huống mà bình thường mọi người sẽ thấy là thách thức, khó khăn. Kết thúc môn học là bài thi thử thách Hackathon, bắt buộc các sinh viên toàn trường phải phải xoay xở kết hợp với nhau để tìm và trình bày giải pháp với áp lực thời gian gói gọn trong 36 tiếng.
Hàng năm, trung tâm khởi nghiệp của VinUni sẽ dành ra 100.000 USD để tài trợ cho các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp hay dự án cộng đồng của sinh viên. Các dự án tiềm năng nhất sẽ được E-Lab cấp một khoản vốn tương đương 2.000 USD/dự án để thử nghiệm ươm tạo trong chương trình Vườn ươm khởi nghiệp (Incubator Program). Quá trình ươm tạo cũng là quá trình rèn luyện bản lĩnh, sự kiên định không từ bỏ và các kỹ năng hợp tác. Những sinh viên kiên cường nhất với những dự án triển vọng nhất sẽ được lựa chọn vào vòng Tăng tốc với nguồn vốn hỗ trợ có thể lên tới 10.000 USD/dự án.
Trung tâm khởi nghiệp E-Lab cũng kết nối sinh viên với mạng lưới các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước và quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp, là các co-founder và lãnh đạo C-level của các start-up thành công như Finhay, Elsa Speak, MoMo, Base.vn, Amazon Web Services... E-Lab đồng thời sẽ tư vấn giúp các “start-up” của sinh viên gọi vốn từ các nhà đầu tư này.
Ngay sau tuần lễ khai trương, E-Lab đã công bố 10 dự án start-up của sinh viên đang được ươm mầm trong ngày hội Demo Day. Trong đó, hai dự án là Zinance và Mediaverse, do sinh viên VinUni đồng sáng lập, đã xuất sắc giành giải Quán quân và Á Quân của Finnovation 2022, cuộc thi cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) dành cho sinh viên Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm