9 tháng đầu năm 2023 công tác chuyển đổi số Đắk Nông đạt nhiều kết quả tích cực.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Đắk Nông đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để “gỡ” những “điểm nghẽn”.
Thực hiện theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 1/11/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Qua đó, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp, chính quyền, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, Đắk Nông đã và đang từng bước xây dựng chính quyền số theo hướng hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng hiệu quả, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân doanh nghiệp...
Nhìn nhận về 03 trục, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số Đắk Nông thời gian qua, ông Trần Văn Thương, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Đắk Nông cho biết: 9 tháng đầu năm, có 06/19 Sở, ban, ngành đã triển khai và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP)...19/19 Sở, hệ thống thông tin giải quyết TTHC triển khai tập trung tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh; 08/08 UBND huyện, thành phố; 71/71 xã, phường, thị trấn; 352 các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc.
Hiện nay, có 28 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng từ các Sở, ban, ngành của tỉnh, đã làm giàu thêm dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cho Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh, việc kết nối dữ liệu để tạo ra giá trị mới có sự tham gia từ các cấp.
Song song đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp số cũng như hỗ trợ DNVVN trong chuyển đổi số; thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP,... Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ lên sàn TMĐT cho 1.161 sản phẩm, trong đó có 47/60 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác; Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 65,8%...
Cùng với đó, Đắk Nông đã triển khai thực hiện 18/25 TTHC thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ công an. Đắk Nông đã có 85/85 cơ sở khám chữa bệnh BHYT tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân. Toàn tỉnh có 490.670/542.483 (đạt 90,4%) tài khoản người tham gia BHXH, BHYT được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Ngoài nhân lực số trong các cơ quan nhà nước, tỉnh cũng huy động được nhân lực từ Tổ công nghệ số cộng đồng với 71 tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn, 713 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bon, bản tổ, với hơn 4.000 thành viên là cán bộ Ban tự quản và hội đoàn thể các thôn, tổ dân phố.
“Những con số “biết nói” cho thấy Đắk Nông đã đi đúng hướng, bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong chương trình chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng” ông Thương đánh giá.
Ông Trần Văn Thương, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Đắk Nông:
Tổng số TTHC của tỉnh là 1.710, trong đó số dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 804, dịch vụ công trực tuyến một phần là 906, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận toàn trình là 17,3%, (28.459/136.078 hồ sơ), tỷ lệ hồ sơ được xử lý toàn trình là 17,3% (28.211/163.006 hồ sơ).
Tuy nhiên, ông Thương cho rẳng, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, nhất là 3 tháng cuối năm Đắk Nông cần hoá giải những “điểm nghẽn” như: kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cho người dân và doanh nghiệp còn rất thấp (62/63 tỉnh, thành), việc triển khai các mô hình Đề án 06 của Chính phủ còn chưa đạt theo yêu cầu, khi các doanh nghiệp viễn thông đề xuất vị trí xây dựng trạm BTS, các ngành, địa phương không cho phép xây dựng nhà trạm, cột ăng ten… trên đất quy hoạch, kinh phí triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số còn chưa được bảo đảm; bên cạnh đó, việc bố trí dàn trãi không tập trung, không đúng yêu cầu nhiệm vụ và bố trí chậm cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ...
Để hoá giải thách thức trên, ông Thương cho rằng: các Sở, ngành, địa phương đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo Quyết định số 47/Đ-UBND, Kế hoạch số 249/KH-BCĐ. Đồng thời, các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực để bảo đảm triển khai các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến. Sở NN&PTNT, TN&MT..., UBND các huyện, thành phố phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp viễn thông triển khai các trạm phát sóng di động (BTS)...
Mặt khác, ông Thương cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm chia sẽ khó khăn của hệ thống truyền thanh cơ sở để có phương án đầu tư phù hợp hoặc tăng cường phân bổ vốn 03 chương trình mục tiêu quốc gia cho Sở. Bộ TT&TT chỉ đạo, tháo gỡ việc triển khai mạng di động 5G để các doanh nghiệp viễn thông chủ động triển khai mạng di động 5G cho các địa phương; Tham mưu, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí, bổ sung lương cho đội ngũ thực hiện chuyển đổi số; được ưu tiên đào tạo, tập huấn các chương trình chuyển đổi số chuyên sâu...
“Đối với chính sách về giảm mức phí, lệ phí của dịch vụ công trực tuyến cần phải có chính sách chung về phí, lệ phí về sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC nhằm góp phần tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương một định mức riêng và có tỉnh triển khai, tỉnh lại không triển khai đối với cùng một TTHC”- ông Thương nói.
Có thể bạn quan tâm