Không nên giao cho EVN là đơn vị tính toán khung giá điện, trình Bộ Công Thương thẩm định vào trước ngày 1/11 hàng năm để đảm bảo tính khách quan.
>>Đề xuất đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện: Chuyên gia nói gì?
Đây là quan điểm của GS TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khi chia sẻ với DĐDN về việc Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư giá điện gió, điện mặt trời mới.
- Theo ông, việc xây dựng và tính toán khung giá điện nên giao cho ai để đảm bảo tính khách quan?
Theo tôi, Bộ Công Thương không nên giao cho EVN là đơn vị tính toán khung giá điện, trình Bộ Công Thương thẩm định vào trước ngày 1/11 hàng năm như trong dự thảo. Bộ Công Thương nên đứng ra xây dựng khung giá thì sẽ khách quan hơn, vì Bộ Công Thương có thể tập hợp được nhiều chuyên gia thuộc các đơn vị khác nhau cùng thảo luận để xây dựng lên một đề xuất biểu giá, sau đó trình Chính phủ phê duyệt.
Thực tế, một số nhà đầu tư cho rằng, việc giao cho EVN xây dựng và tính toán khung giá khiến họ không an tâm, bởi không biết có phải đàm phán lại hợp đồng mua bán điện theo khung giá mới hay áp dụng khung giá đã ký.
Do đó, vấn đề giá điện cần có sự thống nhất giữa nhà đầu tư với bên mua điện (EVN), nếu thấy giá này không hợp lý thì có quyền khiếu nại và đơn vị đứng ra giải quyết việc này là Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công Thương. Một trong những yêu cầu hàng đầu của việc áp dụng cơ chế giá điện là làm sao thu hút được nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện tái tạo, hạn chế rủi ro về cơ chế giá.
Việc thu hút được nhiều hay ít chúng ta phải theo dõi có bao nhiêu dự án được đề xuất? Bao nhiêu dự án được phê duyệt? Bao nhiêu dự án được triển khai? Nếu số dự án quá thấp thì ở đây có vấn đề, khi đó Bộ Công Thương cần phải có ý kiến, thậm chí can thiệp để tháo gỡ vướng mắc.
- Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư mới này là quy định khung giá sẽ được tính theo loại hình nhà máy điện mặt trời ở từng vùng miền Bắc - Trung - Nam. Theo ông, cơ chế giá điện gió, điện mặt trời theo phân vùng này cần được tính toán ra sao?
Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII khuyến khích, ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời tại miền Bắc, nơi có cường độ bức xạ mặt trời thấp hơn nhiều so với miền Trung và miền Nam. Do đó, để khuyến khích đầu tư nhà máy điện mặt trời tại miền Bắc, cần có cơ chế khung giá cao hơn miền Trung và miền Nam.
Cụ thể, khi đã xác định được cường độ bức xạ mặt trời ở từng vùng, miền thì có thể có những mức giá khác nhau cho từng vùng tuỳ thuộc vào cường độ bức xạ mặt trời.
Vấn đề ở đây là Bộ Công Thương cần phải giải thích rõ cường độ mặt trời tại những vùng, miền đó là bao nhiêu? Vì sao giá điện tại những vùng đó được quy định như vậy? Nếu nhận thấy còn điểm nào đó chưa thích hợp thì nhà đầu tư có thể thông qua Cục điều tiết điện lực đề đạt ý kiến của mình.
Đơn cử, nếu khu vực nào có cường độ bức xạ mặt trời cao thì có thể giá sẽ thấp hơn, còn khu vực nào có cường độ bức xạ yếu thì giá cao hơn. Việc này rất cần được Bộ Công Thương giải thích một cách rõ ràng, nếu hai bên không thống nhất được với nhau về mức giá thì có thể thông qua cơ quan quản lý nhà nước như Cục điều tiết điện lực giải thích hoặc đề xuất với Chính phủ một mức giá hợp lý hơn.
>>Vì sao Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần?
- Như vậy, việc ban hành cơ chế giá sẻ phải lấy ý kiến các bên và phê duyệt. Điều này có thể làm nản lòng nhà đầu tư nếu quá trình lấy ý kiến về phương pháp xây dựng khung giá phát điện bị kéo dài trong thời gian tới, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, việc dài hay ngắn là do hai bên, nếu đôi bên thấy việc xác định khung giá là cần thiết thì có thể triển khai sớm. Tức là có thể chuẩn bị tư liệu, như ở trong khu vực hay trên thế giới tình hình giá cả như thế nào?
Ở Việt Nam từng vùng, miền tuỳ theo cường độ bức xạ ra sao? Sau đó đề xuất biểu giá để hai bên nhanh chóng thảo luận. Như vậy, việc ra quyết định nhanh hay chậm phụ thuộc vào các bên liên quan.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì về Thông tư giá điện gió, điện mặt trời mới này?
Thứ nhất, Bộ Công Thương cần nhanh chóng xây dựng biểu giá lâu dài để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn vào đầu tư. Khi có biểu giá điện lâu dài thì có thể tiến hành ký kết các hợp đồng mua bán điện (PPA), khi đó nhà đầu tư sẽ yên tâm đầu tư vào các dự án điện mặt trời, còn Nhà nước cũng có được kế hoạch dài hạn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Thứ hai, các bên nên sớm gặp nhau để đi đến thoả thuận, sau đó đề xuất với Bộ Công Thương nếu thấy điểm nào còn chưa hợp lý thì “ngồi lại” với nhau để cùng giải quyết. Vì đây là cơ sở để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
00:57, 06/09/2023
21:23, 05/08/2023
17:22, 05/08/2023
04:00, 02/08/2023