Nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng, các chính sách cần tập trung vào việc đảm bảo một thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững và công bằng cho tất cả các nhóm đối tượng.
Tại phiên họp sáng 21/11, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đất đang có quyền sử dụng.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với dự thảo, nhưng không ít ý kiến cũng chỉ ra các bất cập đáng lo ngại về giá nhà ở thương mại, sự thiếu hụt nhà ở xã hội và các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai.
Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản chưa đồng nghĩa với việc người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nhấn mạnh, tại nhiều đô thị, trong khi các dự án nhà ở thương mại bị bỏ hoang thì nhu cầu về nhà ở xã hội lại rất lớn. Ông nêu thực tế rằng nhiều công nhân, người thu nhập thấp phải "bốc thăm 5 lần 7 lượt" mới có cơ hội mua được nhà ở xã hội dưới 50m². "Những căn nhà nhỏ bé này vẫn là giấc mơ xa vời với nhiều người, trong khi nhà thương mại xây xong không ai ở", ông Khánh nói.
Dự thảo Nghị quyết cho phép thỏa thuận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở để triển khai dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, điều này đặt ra nhiều lo ngại về nguy cơ làm tăng giá đất.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cảnh báo: "Việc thỏa thuận đất có thể khiến giá từ 500.000 đồng/m² tăng lên 20 triệu đồng/m². Lợi ích này thuộc về ai?" Ông cũng chỉ ra sự bất công có thể xảy ra giữa giá đất đền bù cho các dự án của Nhà nước và giá đất doanh nghiệp thỏa thuận để triển khai dự án thương mại.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nhấn mạnh, việc thí điểm cần đi kèm với cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng chính sách thu gom đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không minh bạch. Ông nhắc lại bài học từ vụ Công ty địa ốc Alibaba, gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường.
Một vấn đề lớn được nhiều đại biểu đặt ra là tại sao chính sách thí điểm chỉ áp dụng với nhà ở thương mại mà không dành cho nhà ở xã hội. Đại biểu Đỗ Huy Khánh cho rằng, thay vì mở rộng quỹ đất cho dự án thương mại, cần ưu tiên dành quỹ đất và chính sách hỗ trợ cho nhà ở xã hội – phân khúc đáp ứng nhu cầu thực tế của đa số người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bổ sung rằng, các dự án nhà ở xã hội cần được triển khai với sự minh bạch và công khai để tránh cơ chế "xin-cho", vốn gây nhiều bất cập trong quản lý đất đai và bất động sản hiện nay.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, các chuyên gia đề xuất cần một số giải pháp đồng bộ.
Một là, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội: Ban hành chính sách hỗ trợ tài chính, mở rộng quỹ đất và đảm bảo nguồn cung nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp.
Hai là, kiểm soát thị trường nhà ở thương mại: Quy định rõ ràng về việc sử dụng đất trong các dự án thương mại, tránh tình trạng thu gom đất tràn lan hoặc để hoang phí.
Ba là, minh bạch hóa pháp lý: Giải quyết dứt điểm các vướng mắc pháp lý cho các dự án đã hoàn thành, đồng thời đảm bảo các quy định về giá đất, quyền sử dụng đất rõ ràng, minh bạch.
Bốn là, ngăn chặn tình trạng lãng phí: Các dự án bỏ hoang hoặc triển khai không đúng mục đích cần bị xử lý nghiêm để tránh làm lãng phí nguồn lực xã hội.
Ngày 27/11, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản và Trao chứng nhận Dự án đáng sống 2024".
Thời gian: 08h30 - 11h30, Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Almaz – KĐT Vinhomes Riverside, Quận Long Biên, Hà Nội